Hết thời ‘một túp lều tranh, hai trái tim vàng’

Hôn nhân ngày nay có xu hướng đòi hỏi nhiều hơn chỉ tình yêu. Đôi bên cần phát triển bản thân như đang gây dựng sự nghiệp, mài dũa các kỹ năng giao tiếp và quản lý xung đột.

Hôn nhân hiện đại không đơn thuần chỉ cần mỗi tình yêu đôi lứa. Ảnh minh họa: tvN.

Nhà trị liệu tâm lý Linda Bloom nhấn mạnh rằng trên thực tế, nhiều cặp đôi bỏ qua việc thảo luận về những vấn đề cần khắc phục hoặc có thể phát triển khi kết hôn. Hôn nhân cần nỗ lực đôi bên để cập nhật hay đánh giá quá trình.

Bloom gọi đây là “personal growth marriage” (tạm dịch: hôn nhân thúc đẩy sự phát triển cá nhân), dùng để chỉ cuộc hôn nhân mà đôi bên có thể cùng nhau mài dũa các kỹ năng quan trọng, như giao tiếp và quản lý xung đột.

Tương tự, Eli Finkel, giáo sư tâm lý xã hội tại Đại học Northwestern (Mỹ), nhấn mạnh rằng hôn nhân hiện đại đòi hỏi nhiều hơn, hướng đến sự phát triển cá nhân và tự hoàn thiện lẫn nhau chứ không còn chỉ nương vào tình yêu đôi lứa, theo Fortune.

Kỳ vọng nhiều hơn

Eli Finkel thảo luận về sự tiến hóa của hôn nhân trong cuốn sách The All-or-Nothing Marriage của mình. Ông lần ngược về thời kỳ trước những năm 1850, khi người ta kết hôn chủ yếu để đáp ứng mặt kinh tế. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp đã giải thoát họ khỏi gánh nặng tài chính, cho phép họ kết hôn vì tình yêu.

Vào những năm 1960, các phong trào dân quyền và nữ quyền đã thúc đẩy hôn nhân thay đổi nhiều hơn, phụ nữ đã trở nên độc lập hơn và bắt đầu coi hôn nhân là con đường để phát triển bản thân. Điều này đã dẫn đến kỷ nguyên của self-expressive marriage (hôn nhân tự thể hiện).

mot tup leu tranh,  hai trai tim vang,  personal growth marriage,  phat trien ca nhan,  quan ly xung dot,  vo chong cai nhau anh 1

Mọi người đang ngày càng yêu cầu nhiều hơn từ hôn nhân. Ảnh minh họa: Jeremy Wong/Pexels.

Trong khi đó, nhà trị liệu tâm lý Bloom nhận thấy rằng ngày nay, mọi người đang mong đợi nhiều hơn từ cuộc hôn nhân của họ. Nguyên nhân là vì việc trị liệu tâm lý đã được chấp nhận nhiều hơn cũng như ngày càng nhiều người quan tâm đến tự chữa lành. Thực tế, có thêm 14 triệu người bắt đầu tham gia trị liệu vào năm 2022 và phương tiện truyền thông xã hội đang giúp nội dung về sức khỏe tâm thần dễ tiếp cận hơn.

Theo Don Cole, cố vấn hôn nhân và gia đình kiêm giám đốc lâm sàng của Viện Gottman chuyên nghiên cứu và cải thiện các mối quan hệ, ngày càng có nhiều người tìm kiếm sự viên mãn khi kết hôn.

Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt cao và áp lực kinh tế đã gây áp lực lên các đôi yêu nhau. Ông Cole cho biết, trong nền kinh tế đắt đỏ ngày nay, nhu cầu về hai nguồn thu nhập và kỳ vọng nuôi dạy con cái cũng cao hơn – vốn không hề tồn tại cách đây 50 năm.

Điều này làm gia tăng căng thẳng trong hôn nhân, đặc biệt là đối với các đôi có thu nhập thấp. Họ có nhiều khó khăn về tài chính cũng như có ít thời gian hoặc năng lượng hơn để tập trung vào mối quan hệ của mình, mặc dù họ cũng muốn một hôn nhân chất lượng và hạnh phúc như bao người khác.

Càng kỳ vọng, càng áp lực

Ông Finkel so sánh việc đạt được sự phát triển cá nhân trong hôn nhân với việc leo lên “Núi Maslow”. Ông ám chỉ đến lý thuyết tâm lý nổi tiếng về hệ thống phân cấp nhu cầu của Maslow.

Trong đó, con người trước tiên cần được thỏa mãn về mặt sinh lý và an toàn (physiological and safety), sau đó là tình yêu và các mối quan hệ xã hội (love/belonging), rồi mới đến nhu cầu được kính trọng (self-esteem) và thể hiện bản thân (self-actualization). Ông cho rằng điều này song song với sự thay đổi kỳ vọng trong hôn nhân của chúng ta.

Tuy nhiên, Finkel cảnh báo rằng kỳ vọng càng cao, thất vọng sẽ càng nhiều nếu không được đáp ứng. Song, chúng cũng khiến hôn nhân trở nên bổ ích hơn khi các mong muốn được thỏa mãn. Ông khuyên mọi người nên tiếp cận những kỳ vọng này một cách thực tế và hiểu được rằng không ai có thể đáp ứng được tất cả nhu cầu của mình.

mot tup leu tranh,  hai trai tim vang,  personal growth marriage,  phat trien ca nhan,  quan ly xung dot,  vo chong cai nhau anh 2

Kỳ vọng nhiều trong hôn nhân vừa lợi, vừa hại nên mọi người cần đặt tiêu chuẩn hợp lý. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels.

Bên cạnh đó, ông Cole tán thành rằng có kỳ vọng cao cũng là một điều tốt. Khoa học cho thấy những người có đời sống vợ chồng hạnh phúc nhất thường đặt ra nhiều mong muốn trong hôn nhân. Trong khi đó, việc hạ thấp kỳ vọng thực chất là dấu hiệu của một mối quan hệ đang thất bại.

Ông tin rằng vấn đề thường nằm ở việc mọi người không vạch ra những tiêu chuẩn đủ cao, tiêu biểu như việc một trong hai không hiểu rõ vai trò của mình trong mối quan hệ.

Bên cạnh đó, nhà trị liệu tâm lý Bloom nhận thấy rằng phụ nữ thường là người tìm kiếm sự giúp đỡ khi cảm thấy mất kết nối khi yêu vì người bạn đời không nỗ lực để xử lý vấn đề. Theo đó, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thường xuyên bàn luận để giải quyết những nhu cầu chưa được đáp ứng trong mối quan hệ.

Bloom cho rằng một số người tránh đặt ra kỳ vọng cao trong mối quan hệ của họ vì họ sợ sẽ thất vọng. Tuy nhiên, sự tránh né này thường dẫn đến việc các vấn đề quan trọng bị bỏ qua. Bà tin rằng để phát triển, hôn nhân cũng cần có các phẩm chất thiếu yếu cho sự nghiệp như sự kiên cường, phục hồi nhanh, sự quyết tâm cùng kĩ năng lắng nghe tốt.


Cùng chuyên mục