Cuộc đua giữa ‘bé ba’ và Labubu ở thị trường Việt

Mặc dù xuất hiện sau, đồ chơi Baby Three có khả năng soán ngôi Labubu, trở thành “cơn sốt” mới trên thị trường blind box.

Đồ chơi Baby Three có xuất xứ Trung Quốc, chủ yếu được bán qua sàn TMĐT. Ảnh minh hoạ: @kimchunqg/IG.

Gần đây, Baby Three, hay còn có biệt danh “bé ba”, trở thành món đồ chơi theo mô hình blind box (“túi mù”, “hộp mù”) thịnh hành tại Việt Nam, được ưa chuộng sau Labubu.

Theo báo cáo về sản phẩm Baby Three được nền tảng phân tích dữ liệu mua sắm trực tuyến Metric thực hiện trong giai đoạn từ ngày 15/10 đến ngày 15/11, người tiêu dùng chi hơn 8,8 tỷ đồng cho sản phẩm này trên 2 sàn TMĐT Shopee và TikTok Shop.

Trong khi đó, báo cáo Thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý III/2024 cho biết doanh số đến từ Labubu trên 5 sàn TMĐT Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop đạt 6,9 tỷ đồng.

So sánh doanh thu từ Baby Three và Labubu

Trong khi Labubu trở thành “cơn sốt” từ tháng 7, Baby Three lại bắt đầu thịnh hành từ tháng 10.

Theo báo cáo của Metric, doanh thu đến từ Baby Three trên các nền tảng mua sắm trực tuyến kể trên tăng 106% trong tháng qua so với tháng liền kề, chứng minh sức hút của món đồ chơi Trung Quốc.

8,8 tỷ đồng doanh thu này đến từ 37,7 nghìn đơn vị sản phẩm giao thành công qua sàn TMĐT. Số lượng gian hàng bán Baby Three hiện nay là 109.

Phân khúc giá phổ biến nhất của món đồ chơi này là 200.000-500.000 đồng. Trong khi TikTok Shop tạo ra 1,9 tỷ đồng doanh thu từ sản phẩm thuộc phân khúc giá này, Shopee đem về đến 5,2 tỷ đồng. Mức giá phổ biến thứ 2 là 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, với Shopee tạo ra 451,6 triệu đồng doanh số.

Về Labubu, món đồ chơi nghệ thuật này trở thành sản phẩm nổi bật của quý III, bên cạnh sữa gấu. Sản lượng Labubu trên sàn TMĐT đạt 49,4 nghìn trong quý III, đánh dấu mức tăng trưởng 834% so với quý trước.

Món đồ chơi này bắt đầu được ưa thích từ tháng 7, đạt đỉnh doanh thu ở mức 3,2 tỷ đồng vào tháng 8.

Tuy nhiên, doanh số đến từ chú thỏ lông lá, tinh nghịch này trong một quý chỉ gần bằng doanh thu của Baby Three trong một tháng.

Sự chênh lệch lớn này đến từ khác biệt cơ bản của 2 món đồ chơi theo mô hình blind box trên. Labubu là sản phẩm của thương hiệu Pop Mart, được phân phối chính hãng trên website và cửa hàng vật lý, có thể mua ở các kênh phân phối này hoặc người bán trung gian.

Trong khi đó, Baby Three đến từ Trung Quốc, được bán chủ yếu trên các sàn TMĐT. Hơn nữa, số lượng sản phẩm này không phụ thuộc vào một nhà sản xuất, ít bị giới hạn về nguồn cung.

Baby Three có thể thay thế Labubu không?

Điểm chung của Labubu và Baby Three là cùng thuộc mô hình blind box, hấp dẫn người chơi nhờ khả năng mang lại sự tò mò, hồi hộp và phấn khích. Sự lan tỏa trên phương tiện truyền thông xã hội góp phần tạo ra sức hút cho cả 2. Điểm khác biệt lớn nhất của 2 món đồ chơi này là xuất xứ và thiết kế.

Labubu là một nhân vật trong Vương quốc Quái vật, được thực hiện bởi nghệ sĩ Hong Kong Kasing Lung từ năm 2015, lấy cảm hứng từ thần thoại Bắc Âu.

Sau nhiều lần thay đổi thiết kế, chú thỏ răng nhọn này có tạo hình bầu bĩnh đáng yêu như hiện tại, phù hợp với xu hướng diện trang phục, đeo phụ kiện dễ thương thịnh hành từ mùa mốt năm ngoái.

Sản phẩm này bắt đầu trở nên thịnh hành sau khi được thần K-Pop Lisa (BlackPink) lăng xê. Chú thỏ răng nhọn nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới trẻ, tạo ra “cơn sốt” trong lĩnh vực đồ chơi nghệ thuật.

Trong khi đó, các nhân vật Baby Three có thiết kế đa dạng, theo nhiều chủ đề, có chiều cao hơn 10 cm, trừ một số phiên bản sở hữu kích thước đặc biệt.

Bộ lông mềm mại và đôi mắt long lanh, ướt nước của Baby Three thành công chinh phục người tiêu dùng trẻ. Món đồ chơi này cũng được thiết kế theo nhiều chủ đề khác nhau như 12 con giáp, trái cây, truyện cổ tích hay thị trấn thỏ.

Bộ sưu tập 12 con giáp được đánh giá là phổ biến nhất hiện nay, mô phỏng hình tượng 12 con giống trong lịch Âm, có ý nghĩa đặc biệt đối với người Trung Quốc và Việt Nam. Trong khi đó, bộ sưu tập truyện cổ tích lại xây dựng một thế giới thần tiên với mỗi Baby Three là một nhân vật kỳ ảo. Chủ đề trái cây khai thác sự hấp dẫn của những màu sắc sặc sỡ, sống động, hấp dẫn khách hàng trẻ.

Khả năng thay thế Labubu của Baby Three có thể xảy ra, song vẫn cần chứng minh theo thời gian.

  • ‘Túi mù’ đồ ăn ế gây sốt

    Blindbox hay “túi mù” không chỉ chứa đồ chơi. Mô hình kinh doanh khơi gợi sự tò mò này còn được ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm, thời trang và mỹ phẩm.

  • Doanh số Labubu lại tăng

    Đồ chơi nhồi bông Labubu trở thành sản phẩm nổi bật trên sàn TMĐT quý III, bên cạnh sữa gấu. Doanh thu và sản lượng mặt hàng này đều tăng trưởng mạnh mẽ.


Cùng chuyên mục