Dân tennis ở TP.HCM mất sân vì pickleball

Trước sự nở rộ của pickleball, nhiều người chơi tennis ở TP.HCM, Hà Nội rơi vào tình cảnh mất không gian luyện tập do chủ sân chuyển hướng sang môn thể thao thịnh hành hơn.

Người chơi tennis có khả năng mất sân trước sự nở rộ của pickleball. Ảnh minh hoạ: @mcthanhthanhhuyen.

Sau 2 năm gắn bó với tennis, Nguyễn Phước (28 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) lần đầu nhận thấy các sân tập trong khu vực sinh sống bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Lý do của quyết định chuyển đổi này đến từ sự thịnh hành của bộ môn pickleball.

Theo Nguyễn Phước, diện tích một sân tennis bằng khoảng 2 sân pickleball. Vì vậy, sau khi chuyển hướng sang pickleball, chủ sân có thể dễ dàng nhân đôi doanh thu.

“Mặc dù hiểu rằng chủ sân cần nắm bắt xu hướng, cũng phải lo cơm áo gạo tiền, tôi vẫn buồn, thậm chí trầm ngâm cả ngày khi đọc được những thông báo chuyển đổi”, Phước chia sẻ.

Theo quan sát của Tri Thức – Znews, sự thịnh hành của pickleball khiến nhiều chủ sân tennis đưa ra quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng, rẽ hướng kinh doanh để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Xu thế này khiến không ít người chơi tennis lâu năm rơi vào hoàn cảnh mất sân, hụt hẫng trước sự thay đổi.

Trong khi một số đánh giá pickleball chỉ là trào lưu “sớm nở tối tàn”, nhiều người lại cho rằng bộ môn này có thể tồn tại lâu dài, song song với những môn thể thao như tennis hay cầu lông.

Xu hướng dễ thay đổi

Với 6 năm kinh nghiệm chơi tennis, Quốc Huy (29 tuổi, Ninh Thuận) cho biết pickleball được xem như “tennis mini”. Sở dĩ, nhận định này được đưa ra dựa trên một số yếu tố tương đồng giữa 2 môn thể thao.

Cũng do kết cấu sân tương đồng, quá trình chuyển đổi tương đối dễ dàng và tiết kiệm chi phí. Chỉ cần kẻ thêm vạch, một số sân có thể mở cửa cho người chơi cả 2 bộ môn, từ đó gia tăng doanh số.

Theo Quốc Huy, tình trạng này không chỉ diễn ra tại Việt Nam, mà còn xuất hiện ở nhiều quốc gia như Mỹ, Australia và Singapore. Hơn nữa, pickleball cũng không phải môn thể thao đầu tiên “vụt sáng thành sao”.

Trước đó, Huy nhận thấy các bộ môn như paddle hay squash cũng thịnh hành trong một khoảng thời gian ngắn, rồi dần mất sức hút do không đáp ứng được các yếu tố như lịch sử và văn hoá, tính cạnh tranh và sức ảnh hưởng, giải đấu chuyên nghiệp và bảng xếp hạng uy tín.

Đây cũng có thể trở thành tương lai của pickleball. Dựa trên thống kê, Quốc Huy cho biết số lượng người chơi pickleball ở Mỹ, quê hương của môn thể thao này, bắt đầu có dấu hiệu chững lại.

Đồng thời, làn sóng “no pickleball” (tạm dịch: “nói không với pickleball”) cũng xuất hiện ở cộng đồng người chơi tennis Mỹ, nhằm phản đối việc chiếm dụng sân tennis.

“Hiện nay pickleball là môn thể thao thịnh hành, thu hút sự chú ý từ truyền thông. Tuy nhiên, xu hướng thường dễ thay đổi, đặc biệt trong thể thao, nơi đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, tính cạnh tranh và quy tắc nghiêm ngặt. Những yếu tố này góp phần hình thành một cộng đồng người chơi, người hâm mộ trung thành và lớn mạnh”, Quốc Huy chia sẻ.

Mới đây, người chơi tennis Đức Anh (27 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) nhận được thông báo chuyển đổi mục đích sử dụng của sân tập quen.

Chủ sân cho biết bắt đầu kinh doanh pickleball trong thời gian tới. Anh không bất ngờ, song vẫn cảm thấy hụt hẫng khi chứng kiến sự thay đổi này.

Tuy nhiều chủ sân rẽ hướng kinh doanh, Đức Anh cho rằng sự thịnh hành của pickleball không thể đặt dấu chấm hết cho tennis. Sức hấp dẫn của tennis nằm ở tính thử thách, áp lực chinh phục, khiến người chơi muốn gắn bó.

Trong khi đó, pickleball lại được đánh giá là dễ chơi hơn, không đem đến nhiều thách thức, khó tạo ra sức hút lâu dài.

“Làm gì dễ dàng quá thì nhanh chán”, Đức Anh nói.

Pickleball tồn tại song song với tennis

Gắn bó với tennis hơn một năm, Minh Anh (23 tuổi, quận 8, TP.HCM) cảm thấy chạnh lòng khi chứng kiến các sân tennis lần lượt chuyển đổi sang kinh doanh pickleball. Tuy nhiên, cô không đánh giá thấp khả năng tồn tại lâu dài của pickleball.

“Pickleball đang được chú ý nhiều thông qua mạng xã hội. Nếu sau này không còn thịnh hành, tôi tin bộ môn này vẫn có chỗ đứng trong thể thao”, Minh Anh chia sẻ.

Hơn nữa, người chơi tennis này cũng cho biết mỗi môn thể thao có cái khó riêng, không thể vội vã đưa ra kết luận về mức độ khó hay dễ.

Đồng tình với Minh Anh, Nguyễn Phước cũng không đánh giá thấp khả năng tồn tại lâu dài của pickleball.

Theo Phước, pickleball cũng có giải đấu, tổ chức, hiệp hội quốc tế. Đây được xem là nền tảng để bộ môn này tiếp tục phát triển và xác định chỗ đứng trong lĩnh vực thể thao.

Ngoài ra, người chơi cả 2 môn thể thao trên cũng bổ sung thông tin về những cái khó riêng của tennis và pickleball.

Đối với tennis, người chơi phải dành nhiều thời gian cho việc luyện tập, thực hành để điều khiển trái bóng theo ý mình. Tốc độ bóng cao cũng đòi hỏi sự kiên trì ở các tay vợt.

Còn với pickleball, người chơi có thể dễ dàng vào sân, đánh bóng vì bóng pickleball có tính chất nhẹ, sở hữu tốc độ bay chậm, được đánh giá là khá thân thiện. Song, để chơi bóng theo chiến thuật, các tay vợt cũng cần trang bị kỹ năng, rèn luyện theo thời gian.

Nguyễn Phước cho rằng pickleball đang thịnh hành, thu hút nhiều người trải nghiệm. Sau một thời gian “làm mưa làm gió”, bộ môn này sẽ “lọc” bớt người chơi, chỉ giữ lại những cá nhân có đủ tình yêu và đam mê.

“Trong khi tennis là di sản, pickleball được xem như một làn gió mới, hoàn toàn có thể song hành”, Phước chia sẻ.


Cùng chuyên mục