Không chỉ thắng lớn tại quê nhà, cơn sốt Gia tài của ngoại còn lan tỏa ra khắp Đông Nam Á. Tác phẩm là phim Thái Lan có doanh thu cao nhất mọi thời tại Singapore, Malaysia và Indonesia. Đến nay, đứa con tinh thần của đạo diễn Pat Boonnitipat đã dắt túi tổng cộng 21,8 triệu USD trên toàn cầu, với hơn 10 triệu lượt xem. Tại Việt Nam, tính đến sáng ngày 21/6, bộ phim thu về hơn 63 tỷ đồng, từng đứng đầu bảng tổng sắp phòng vé 2 tuần liên tiếp.
Để tri ân khán giả Việt Nam, vừa qua, ê-kip làm phim Gia tài của ngoại đã đến giao lưu với người hâm mộ tại TP.HCM. Trong thời gian này, đạo diễn Pat Boonnitipat và biên kịch Thodsapon Thiptinnakorn có cuộc phỏng vấn trên chúng tôi.
“Việc tôi bao nhiêu tuổi không quá quan trọng”
– Gia tài của ngoại không chỉ thành công ở Thái Lan mà còn phủ sóng khắp Đông Nam Á. Ở Việt Nam, phim từng 2 tuần liên tiếp dẫn đầu phòng vé và khiến không ít khán giả Việt rơi nước mắt. Đến hiện tại, cảm xúc của hai anh thế nào?
– Biên kịch Thodsapon: Tôi cảm thấy rất vui và thoải mái với kết quả trên. Đây là bộ phim mà chúng tôi rất tâm huyết, nên khi nó đạt thành tích như vậy, tôi rất hạnh phúc.
– Đạo diễn Pat: Thật ra, đây là lần đầu tiên tôi tới Việt Nam và cũng là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với đất nước và con người nơi đây. Cho nên đến bây giờ, tôi có hơi lẫn lộn và ngỡ ngàng, vẫn tự hỏi không lẽ là mình đã đặt chân đến Việt Nam rồi và phim của mình thật sự được chiếu ở đây hay sao? Tôi rất hạnh phúc với kết quả 2 tuần vừa qua và vẫn trông chờ điều gì sẽ diễn ra tiếp theo.
– Đây là bộ phim về đề tài gia đình, có yếu tố văn hóa – truyền thống. Tuy nhiên, anh lại còn khá trẻ. Điều gì thôi thúc anh làm bộ phim này?
– Đạo diễn Pat: Thật ra, ý tưởng ban đầu bắt nguồn từ biên kịch, khi anh ấy đã viết một câu chuyện dựa trên người bà của mình. Sau đó, hai chúng tôi bắt đầu trao đổi với nhau và trao đổi với chính những người trong gia đình. Điều đó giúp chúng tôi có thêm nhiều góc nhìn khác. Ví dụ như tôi thì vẫn còn bà, còn với biên kịch Thodsapon, bà anh ấy đã qua đời.
Thậm chí, những nhân vật trong phim như chú Soei (con út), chú Kiang (con cả) và Amah (người bà) đều là những người chúng tôi đã nói chuyện rất kỹ ngoài đời. Từ đó, tôi và biên kịch Thodsapon đã cùng nhau phát triển kịch bản dựa trên những tình huống có thật.
Các nhân vật trong phim được xây dựng dựa trên hình dung của tôi sau những cuộc nói chuyện đó. Vậy nên, việc tôi bao nhiêu tuổi không còn quá quan trọng. Việc các diễn viên bao nhiêu tuổi, họ có phù hợp với nhân vật trong kịch bản hay không, và những người tôi đã nói chuyện trong gia đình – họ bao nhiêu tuổi mới là điều quan trọng.
– Khicasting, đâu là nhân vật khó chọn diễn viên nhất?
– Đạo diễn Pat: Bà ngoại Amah là vai diễn khó tìm diễn viên phù hợp nhất. Ban đầu, vì muốn một người có thể đóng vai này tự nhiên nhất có thể, chúng tôi quyết định tìm một diễn viên nhưng chưa từng có kinh nghiệm diễn xuất. Vì lẽ đó, toàn bộ ê-kip đã phải chọn lọc khắp nơi.
May mắn, trợ lý đạo diễn của tôi từng làm việc với bà Usha Seamkhum từ 5 năm trước. Tôi đã bảo cậu ấy cứ đưa bà Usha đến thử vai. Sau đó, tôi nhận ra đây là người phù hợp nhất để vào vai bà ngoại của M.
Đạo diễn Pat Boonnitipat, biên kịch Thodsapon Thiptinnakorn và diễn viên Usha Seamkhum trong buổi giao lưu tại TP.HCM. |
– Còn Billkin thì sao? Trước đây, cậu ấy không được đánh giá quá cao về mặt diễn xuất. Song trong dự án này, Billkin đã tiến bộ rất nhiều?
– Đạo diễn Pat: Đối với Billkin, cậu ấy là diễn viên có năng lực. Tuy nhiên, cách diễn ban đầu của cậu ấy không phải là thứ chúng tôi tìm kiếm. Vậy nên, chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian để làm việc với Billkin, giúp cậu ấy hiểu và biết được vai diễn của mình cần gì.
May mắn, Billkin là một người rất nhiệt tình, cố gắng, cởi mở và chịu học hỏi. Cậu ấy từng chia sẻ với tôi rằng nhờ vai diễn này, sự nghiệp diễn xuất của cậu ấy đã sang một chương mới.
“Tôi và biên kịch đều là người gốc Hoa ở Thái Lan”
– Vì sao các anh lại quyết định để chuyện phim xoay quanh một gia đình người Thái gốc Hoa mà không phải người Thái thuần túy? Đây có phải một chiến lược nhằm hướng tới những thị trường lớn, như Trung Quốc chẳng hạn?
– Biên kịch Thodsapon: Thật ra, ban đầu chúng tôi cũng không có dự định hướng bộ phim này ra thị trường quốc tế. Kịch bản của phim thực chất được viết dựa trên những trải nghiệm của cá nhân tôi. Tôi và đạo diễn Pat đều xuất thân từ những gia đình gốc Hoa sống ở Thái Lan.
– Khi bộ phim trở nên nổi tiếng, mọi người có cảm thấy tiếc vì đã bỏ qua một cơ hội lan tỏa văn hóa Thái Lan?
– Biên kịch Thodsapon: Tôi chưa từng nghĩ về điều này. Với tôi, người Thái gốc Hoa hay người Thái thuần túy đều như nhau. Tuy nhiên, nếu làm một bộ phim về văn hóa Thái Lan, chưa chắc tôi có thể làm tốt, vì vốn dĩ tôi sống trong một gia đình gốc Hoa.
– Trong phim, có một chi tiết khiến rất nhiều người rơi nước mắt, đó là khi M gõ vào quan tài bà ngoại, như một cách nhắc đường cho vong linh người bà. Chất liệu nào giúp anh sáng tạo nên cảnh phim đó?
– Biên kịch Thodsapon: Chi tiết này là văn hóa của người Triều Châu (người Thái gốc Hoa) ở Thái Lan. Mỗi lần đưa linh cữu về nơi chôn cất, người thân sẽ gõ vào quan tài giống như vậy. Phong tục này khác với người Thái thuần túy. Thông thường trong đám tang, người Thái Lan sẽ được đem đi hỏa thiêu thay vì chôn cất như trong phim.
Gia tài của ngoại xoay quanh cuộc sống của người gốc Hoa ở Thái Lan. |
Ở các nước Á Đông, mối liên kết bà cháu thường rất mạnh mẽ, vì có rất nhiều ông bà đã nuôi dưỡng, gắn bó với suốt tuổi thơ của những người cháu. Tuy nhiên, mối quan hệ này ở phương Tây lại không được khăng khít như vậy. Liệu phim có “chạm” được vào các khán giả phương Tây?
– Biên kịch Thodsapon: Tôi tin ai xem phim này đều sẽ đồng cảm với nhân vật, bởi chúng tôi đã thiết lập để mọi cảm xúc hiện lên đều thuyết phục. Như cách chúng ta xem những bộ phim của phương Tây, dù không sống trong văn hóa của họ, nhưng khi xem phim mà họ làm ra, chúng ta vẫn được vui – buồn – hờn giận giống như những người đã sống ở đó. Đây là những điều rất đặc biệt mà phim ảnh mang lại.
– Có nhiều cảnh khiến khán giả xúc động, còn với cá nhân đạo diễn và biên kịch, hai anh dung cảm với cảnh nào?
– Đạo diễn Pat: Tôi rất thích cảnh hai bà cháu cùng nhau đi tới xin tiền người anh trai của bà, sau đó cả hai đi về trên một con đường làng. Đó là cảnh phim tôi ấn tượng nhất.
–Biên kịch Thodsapon: Còn tôi, tôi thích nhất cảnh khi người bà làm hóa trị, lúc tóc bà cứ rụng dần và khi bà cầm mái tóc lên. Ban đầu khi viết kịch bản, tôi chỉ để người cháu ngồi kế bên và quan sát thôi. Tuy nhiên, đạo diễn Pat đã thêm chi tiết người cháu cầm tóc của bà và phủi ra. Anh ấy đã làm cảnh này cực kỳ tốt, vượt ngoài mong đợi của tôi.
– Trong phân cảnh mà đạo diễn Pat vừa nhắc tới, có cảm giác nó nói lên vấn đề trọng nam – khinh nữ trong xã hội châu Á. Một điều nữa, có vẻ như người bà đến xin tiền không phải để mình có một ngôi mộ đẹp. Khoản tiền đó dường như sẽ dành cho con hoặc cháu của bà ấy. Phải chăng, tình anh em ruột thịt sẽ luôn bị đặt sau mối quan hệ bà – cháu hoặc mẹ – con? Cách hiểu đó có đúng với ý đồ của các anh?
– Đạo diễn Pat: Tôi chỉ muốn nói rằng mỗi thế hệ sẽ có cách đối xử, cách yêu thương và cách sống khác nhau, và tôi muốn làm rõ sự khác biệt đó.
Thêm nữa, là cách người trẻ thay đổi và trưởng thành khi trải qua những sự kiện lớn trong đời, mà ở đây là người cháu sau khi nhận được “món quà” từ bà ngoại.
“Ban đầu, bộ phim nghiêng về thể loại hài”
GIa tài của ngoại thuộc dòng phim tearjerker (những tác phẩm được làm ra để lấy nước mắt khán giả). |
– Tên tiếng Thái của tác phẩm (Tạm dịch: cháu của bà) nghe rất giản dị và gần gũi. Song, tên tiếng Anh How To Make Millions Before Grandma Dies (tạm dịch: Cách kiếm được tiền triệu trước khi bà qua đời) lại có phần thực dụng. Với tiếng Việt, phim được mang tên Gia tài của ngoại. Các anh cảm thấy thế nào về những cái tên này?
– Đạo diễn Pat: Ban đầu, tên gốc của phim giống với phiên bản tiếng Anh. Lúc đó, kịch bản có phần khác với những gì mọi người đã xem, nó sẽ nghiêng về thể loại hài. Khi bắt tay vào làm việc, chúng tôi đã chỉnh sửa kịch bản để trở thành bộ phim như hiện tại. Thế nên, tôi không có vấn đề gì với tên tiếng Anh của phim. Tôi còn cảm giác tên này khá dễ nhớ.
Đối với tên tiếng Việt, tôi thấy nó khá thú vị bởi ở những nước khác, người ta sẽ để luôn tên tiếng Anh. Điều này giúp tôi biết thêm rằng mỗi nơi sẽ đón nhận bộ phim theo những cách khác nhau, và họ sẽ đặt tên theo cách hiểu đó.
– Biên kịch Thodsapon: Ban đầu, khi tôi đặt cái tên này (tên tiếng Anh), tôi định hướng tác phẩm sẽ theo dạng phim hài, như kiểu tôi sẽ đến lấy hết tiền của bà ngoại.
Còn đối với tên tiếng Việt, Gia tài của ngoại khơi gợi cảm giác tò mò cho tôi, khiến tôi muốn ra rạp để biết gia tài đó là gì. Với tên tiếng Thái, Cháu của bà với người Thái nghe rất gần gũi. Tôi nghĩ bất kỳ người Thái nào nghe qua cái tên này cũng đều có cảm giác thân thuộc.