Thành bại của ‘Tấm Cám’

Nhờ vào thương hiệu đã quá nổi tiếng, những bản chuyển thể/phóng tác của “Tấm Cám” phần lớn đều được đón nhận. Song, nội dung các tác phẩm trên vẫn còn gây tranh luận.

Tấm Cám là một trong những cổ tích nổi tiếng nhất và cũng giàu giá trị văn hóa nhất của Việt Nam. Qua thời gian, câu chuyện về sự đối đầu giữa chị và em, giữa thiện và ác đã ăn sâu vào tâm trí của nhiều thế hệ, trở thành một phần không thể thiếu trong tuổi thơ của hầu hết người Việt.

Sức ảnh hưởng của Tấm Cám là điều không thể bàn cãi. Vì lẽ đó, không khó hiểu khi nhiều nhà làm phim đã thử sức chuyển thể câu chuyện này lên màn ảnh.

Tấm Cám khi được chuyển thể thành phim có rất nhiều dạng, từ điện ảnh, truyền hình cho tới web drama; từ phảng phất hơi hướm “siêu anh hùng” của Ngô Thanh Vân, hài của Huỳnh Lập, cho tới phiên bản kinh dị được cầm trịch bởi Trần Hữu Tấn sắp được ra mắt.

Tất thảy đã giúp cho câu chuyện có nhiều đời sống hơn, nhiều tiềm năng thương mại hơn, nhưng cũng gây nhiều tranh cãi hơn.

Dễ ăn khách nhưng khó chinh phục người xem

Có thể thấy, nhờ vào thương hiệu đã quá nổi tiếng, những bản chuyển thể/phóng tác của Tấm Cám phần lớn đều thành công về tỷ suất khán giả.

Tiểu phẩm Tấm Cám nằm trong chuỗi Cổ tích Việt Nam số 13 (2001) có lẽ là phiên bản đã “hình ảnh hóa” nhân vật Tấm – Cám trong tâm trí người hâm mộ.

Tấm Cám của Cổ tích Việt Nam chỉ dài vỏn vẹn 30 phút, được cầm trịch bởi Nguyễn Văn Chung. Ông là người rất am hiểu các thể loại phim cho thiếu nhi, khi từng đứng sau những tác phẩm trứ danh như Kính Vạn Hoa (2005 – 2008) và 17/19 số của Cổ tích Việt Nam.

Dễ thấy, vị đạo diễn đã chủ đích hướng tới đối tượng trẻ em khi làm ra Tấm Cám. Ông xây dựng một câu chuyện đơn giản, truyền tải những thông điệp không quá phức tạp. Phần thiết kế hình ảnh và âm nhạc cũng tương đối nhẹ nhàng, giúp bộ phim trở nên dễ xem, dễ cảm nhưng cũng giàu giá trị nhân văn.

giai tri anh 1

Tấm Cám lần đầu tiên lên màn ảnh vào năm 2001.

Tuy nhiên, bởi nguồn lực tương đối hạn chế, chất lượng của các thước phim khi đó chỉ ở mức thấp, dẫn đến việc khó tiếp cận các khán giả thế hệ sau. Những năm 2015 – 2016, truyền hình Vĩnh Long phát hành series Thế giới cổ tích, trong đó có làm lại tiểu phẩm Tấm Cám. Lúc này, phần hình ảnh có được cải thiện, song chất lượng kỹ xảo vẫn không cao, chưa tái hiện tròn trịa những chi tiết huyền ảo trong cổ tích.

Phải đến khi Tấm Cám được bước lên màn bạc với một bộ phim điện ảnh riêng cho mình, cùng tiềm lực và sự “chịu chơi” của Ngô Thanh Vân bấy giờ, câu chuyện cổ tích ăn khách bậc nhất này mới có bản chuyển thể tương xứng với tầm vóc.

Tấm Cám: Chuyện chưa kể (2016) ra đời như thể là sự kết hợp giữa 2 làn sóng live-action và phim siêu anh hùng đang khuấy đảo Hollywood bấy giờ. Đó cũng chính là điểm khiến tác phẩm vừa ăn khách nhưng cũng vừa gây tranh cãi.

Ngô Thanh Vân đầu tư vào Tấm Cám: Chuyện chưa kể22 tỷ đồng. Phần lớn trong số đó dành cho thiết kế sản xuất và đặc biệt là kỹ xảo. Song, do việc ôm đồm quá nhiều đã khiến đứa con tinh thần của cô chưa thể trở thành một tác phẩm điện ảnh thực thụ.

Tấm Cám: Chuyện chưa kể kể quá nhiều, từ mối tình giữa Tấm và hoàng tử đã quá nổi tiếng, cho đến những miếng võ đậm chất giang hồ kiếm hiệp, những màn biến hình gia tăng sức mạnh có phần ảo diệu, xa lạ với văn hóa Việt Nam.

giai tri anh 2

Tấm Cám: Chuyện chưa kể gây tranh cãi vì ôm đồm nội dung và lạm dụng kỹ xảo.

Phim thu về 70 tỷ đồng, một con số tương đối lý tưởng, nhưng cũng nhận về không ít ý kiến trái chiều. Phần lớn cho rằng tác phẩm đã quá tập trung vào kỹ xảo, những màn hành động và những phóng tác mà bỏ qua cái cốt lõi của Tấm Cám, dẫn đến mất đi tinh thần và cảm xúc của câu chuyện gốc.

Một năm sau, web drama Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể, một parody (bản nhại lại theo phong cách hài hước) của Tấm Cám: Chuyện chưa kể được ra mắt. Huỳnh Lập với khiếu hài hước bẩm sinh đã mang tới những phút giây giải trí thú vị, tác phẩm qua đó cũng nhận về nhiều phản ứng tích cực.

Thành công kể trên cũng chứng minh, Tấm Cám vẫn còn nhiều khía cạnh để khai thác. Song, câu chuyện vẫn đòi hỏi các nhà làm phim phải nghiên cứu kỹ lưỡng, để có thể vừa đem đến những điều mới mẻ, vừa đảm bảo các giá trị cốt lõi của tác phẩm gốc.

Chờ đợi gì từ “Tấm Cám” phiên bản kinh dị?

Sau 8 năm, Tấm Cám một lần nữa tái xuất màn bạc, với sự cầm trịch của Trần Hữu Tấn. Và cũng như nhiều đạo diễn trước đây, Trần Hữu Tấn cũng sẽ kể những điều chưa từng được kể của Tấm Cám, khai thác những khía cạnh mới mẻ hơn của cổ tích.

Vốn là vị đạo diễn gắn liền với phim kinh dị, và bản thân anh cũng từng chia sẻ rằng sẽ chỉ theo đuổi dòng phim này, Tấm Cám của Trần Hữu Tấn chắc chắn sẽ là tác phẩm hướng đến việc gieo rắc nỗi sợ cho khán giả.

Với tên gọi Cám, Tấm Cám phiên bản kinh dị sẽ tập trung vào nhân vật người em của Tấm, kẻ vốn là phản diện trong các phiên bản trước. Trong đó, Cám được sinh ra với khuôn mặt dị dạng, trở thành nỗi ô nhục của gia đình. Xung quanh cô bé được bao quanh bởi một bầu không khí u ám, rùng rợn, hứa hẹn gắn liền với các sự kiện kinh dị của phim.

Phía còn lại, Tấm lần này dường như được gia đình yêu thương, chiều chuộng hơn. Mối quan hệ của hai chị em Tấm – Cám cũng khá tốt đẹp. Tuy nhiên, một vài chi tiết trong trailer hé lộ sự “hắc hóa” của cô Tấm, cùng với đó là việc Cám sẽ hóa quỷ để báo thù.

Ngoài ra, phim còn đề cập đến những chi tiết trả đũa: gội đầu, trút tép, chặt cau, làm mắm… Chúng đều là những yếu tố đã có phần quen thuộc trong truyện cổ tích, song phía nhà sản xuất hứa hẹn sẽ khai thác những khía cạnh này một cách sâu sắc hơn. Một số hình ảnh trailer cũng cho thấy những chi tiết kể trên sẽ được thiết kế theo hướng kinh dị, máu me.

giai tri anh 3

Tạo hình nhân vật Cám trong tác phẩm.

Thế giới Tấm Cám của Trần Hữu Tấn là nơi đầy huyền bí, với tà thuật, ác quỷ, và những lời nguyền. Ở các tác phẩm trước, vị đạo diễn cũng cho thấy sự “mát tay” khi khai thác các chất liệu văn hóa tâm linh.

Kẻ ăn hồn (2023) và Tết ở làng địa ngục (2023) là hai trong số những bộ phim được đánh giá rất cao ở mặt thiết kế sản xuất lẫn việc xây dựng thành công một thế giới đầy thần bí. Và với Cám, anh dường như vẫn đang làm tốt những gì được coi là thế mạnh của mình.

Dẫu vậy, Trần Hữu Tấn vẫn còn một vài hạn chế trong cách kể chuyện. Rừng thế mạng (2021) hay Kẻ ăn hồn đều là những bộ phim sở hữu tiềm năng rất lớn, song lại gây tiếc nuối bởi câu chuyện chưa được xử lý cặn kẽ. Đặc biệt, Tết ở làng địa ngục Chuyện ma gần nhà (2022) còn có nhiều chi tiết lấn cấn, gây khó hiểu cho khán giả.

Với Cám, Trần Hữu Tấn rõ ràng có một dự án đầy triển vọng. Tuy nhiên, vị đạo diễn thật sự cần khắc phục những hạn chế ở các tác phẩm trước, để những sáng tạo độc đáo của anh có thể chinh phục hoàn toàn khán giả.

  • Cuộc chuyển giao khiến Hollywood choáng váng

    Thói quen, thị hiếu khán giả thay đổi đang khiến kinh đô điện ảnh chật vật. Các hãng phim tại Hollywood quên mất rằng khán giả mới là người tạo nên khái niệm “ăn khách”.

  • ‘Làm giàu với ma’ của Hoài Linh giảm nhiệt

    Sau 3 tuần thống trị phòng vé, “Làm giàu với ma” đã giảm nhiệt sâu. Trong sáng 19/9, có thời điểm tác phẩm bị phim âm nhạc “Jung Kook: I Am Still” vươn lên dẫn trước về doanh thu.


Cùng chuyên mục