Trở lại sau 5 năm vắng bóng, Lý Minh Thắng mang tới cho khán giả yêu phim một dự án được đầu tư lớn, tái hiện giai thoại về công tử Bạc Liêu, cái tên biểu tượng cho sự giàu có, thích chơi ngông của giới thượng lưu một thời.
Song những ngày qua, Công tử Bạc Liêu vấp khá nhiều tranh luận liên quan đến mặt bối cảnh, trang phục và kịch bản phim. So với kỳ vọng, đứa con tinh thần của Lý Minh Thắng cũng đang thu tiền khá chậm ngoài phòng vé. Sau một tuần trình làng, tác phẩm đang ở mốc 25 tỷ đồng.
‘Tôi không thêm thắt để làm sai lệch sự thật’
– ‘Công tử Bạc Liêu’ đang bị phản ứng khá mạnh từ khán giả. Tâm thế anh ra sao?
– Tôi đã lường trước việc một bộ phim cổ trang khi tái hiện sẽ gây tranh cãi. Thật sự, phải yêu văn hóa, lịch sử, đam mê mới có đủ dũng khí để làm một bộ phim như vậy. Tôi nghĩ mình khá lì lợm. Vì có quá nhiều rào cản, từ việc khảo sử, đối diện áp lực dư luận.
Nhưng tôi tin những giá trị văn hóa đó rất đẹp đẽ và mình khao khát chia sẻ, lan tỏa tới mọi người. Khi nhìn sang các thị trường nước bạn như Trung Quốc, họ làm phim dựa trên những giá trị văn hóa, lịch sử có thật, nhưng đều cố gắng sáng tạo để đưa chúng tiếp cận khán giả một cách dễ dàng.
Đạo diễn Lý Minh Thắng và dàn diễn viên chính của Công tử Bạc Liêu. |
Tôi học theo điều đó và luôn lạc quan để đối diện với khó khăn, áp lực. Bước đầu có thể vấp phải ý kiến trái chiều, nhưng tôi vẫn nỗ lực để lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử của nước mình. Ngoài ra, tôi nhận thấy các bạn trẻ gen Z cũng đang ngày càng yêu mến, muốn tiếp cận những điều kể trên.
– Hoài bão của anh cùng mức độ đầu tư lớn nhưng chất lượng phim lại không tương xứng. Thậm chí, kịch bản phim bị chê hời hợt, nhiều tình tiết khiên cưỡng, nặng tính sắp đặt?
– Những nhận xét như bạn nói ở trên có thể là góc nhìn riêng. Tôi nghĩ phong cách kể chuyện của phim này đang là một hướng đi, thử nghiệm mới của bản thân. Ngay từ giai đoạn làm kịch bản, tôi đã tính toán kỹ về việc cậu Ba Hơn muốn gì, hành động, vấp phải khó khăn ra sao và sau đó tìm giải pháp thế nào.
Trước khi phim chiếu, tôi đã về thắp nhang ở nhà Công tử Bạc Liêu. Nhưng tôi tin 100% các giai thoại về Công tử Bạc Liêu đang lan truyền từ trước đến nay đều là tam sao thất bản. Tôi đã tiếp xúc một nhà báo từng gặp và viết về Công tử Bạc Liêu. Tôi cũng gặp một người làm từng sống rất lâu trong nhà Công tử Bạc Liêu và còn nhiều người khác nữa có liên quan…
Tại sao Công tử Bạc Liêu chẳng có tài năng đáng kể, đóng góp nổi bật gì cho xã hội, mà tới giờ lại trở thành một cái tên nổi tiếng, được rất nhiều người nhắc đến. Rõ ràng người đó phải có một giá trị đặc biệt nào đó. Và khi tiếp xúc, nói chuyện với những người trên, tôi mới hiểu ra rằng giá trị đó chính là mang lại niềm vui. Dân mình hồi đó sống rất khổ cực, đầu tắt mặt tối, nhưng Công tử Bạc Liêu khi du học về mang theo rất nhiều trò vui, làm cho mọi người thích thú. Công tử Bạc Liêu đi tới đâu mang niềm vui tới đó.
Giữa rất nhiều giai thoại tam sao thất bản, tôi tin rằng góc nhìn của mình về nhân vật là xứng đáng với danh vọng, hào quang của danh xưng Công tử Bạc Liêu.
– Nếu theo những gì anh chia sẻ ở trên và với thông điệp của bộ phim đang chiếu ngoài rạp, hình tượng Công tử Bạc Liêu không lẽ chỉ dừng lại việc “mang lại niềm vui”?
– Tôi nghĩ trong một bộ phim luôn tồn tại “niềm tin sai lầm” của nhân vật. Ở góc nhìn của cậu Ba, nhân vật muốn dùng máy bay để quảng bá hình ảnh. Trong quá trình tìm hiểu, tiếp cận tư liệu về Công tử Bạc Liêu, tôi phát hiện đây là “chuyên gia marketing đời đầu của Việt Nam”.
Công tử Bạc Liêu mê máy bay là thật. Nhưng cậu nói ước muốn mua máy bay với ba không phải ngụy biện cho đam mê cá nhân, mà là thực sự muốn dùng nó để phục vụ mục đích quảng bá hay công tác nông nghiệp của gia đình. Để từ đó, nhà băng An nam Thịnh vượng được nhiều người biết tới hơn.
Chi tiết này hoàn toàn có thật, vì thực tế chỉ trong một thời gian ngắn, Công tử Bạc Liêu đã nhanh chóng nổi tiếng sau khi du học Pháp về. Và nhà băng do cha cậu để lại (thực tế không phải tên là An nam thịnh vượng) cũng được nhiều người biết đến ngay sau đó.
Tôi thấy bản thân đã bám sát tư liệu về nhân vật. Công tử Bạc Liêu thiên về hành trình trưởng thành của nhân vật chính, thông qua sự hỗ trợ, đồng hành của gia đình. Những chi tiết về tình yêu, bóng hồng chỉ là gia vị để câu chuyện thêm phần sinh động, hấp dẫn. Tôi không bêu xấu hay thêm thắt drama quá đà làm sai lệch sự thật.
‘Không mộng mơ tới mức làm phim để phá tiền’
– Tốc độ kiếm tiền của phim ngoài rạp khá chậm. Với mức chi phí đầu tư cho dự án, anh có áp lực về con số doanh thu?
– Trong bất cứ dự án nào, tôi cũng phải ngồi lại với nhà sản xuất để giải bài toán bán phim. Mình không mơ mộng tới mức làm phim để phá tiền, thỏa đam mê. Tôi vẫn định hướng làm phim để chinh phục số đông khán giả.
Chỉ có điều mình không đủ giỏi để tạo ra những phim 400, 500 tỷ đồng như người ta và phải tiếp tục học hỏi, tìm tòi. Nhưng trên hành trình đó, tôi vẫn không đánh mất bản sắc cá nhân.
Đạo diễn cho rằng cản trở sự phát triển của điện ảnh Việt hiện giờ là tính trào lưu. |
Tôi nghĩ điều gây khó khăn, cản trở sự phát triển của điện ảnh Việt hiện giờ là tính trào lưu. Tức mọi người thấy dòng phim nào đó thắng doanh thu, là sẽ lao theo làm. Một thị trường cả 5, 6 chục phim nghe thì có vẻ phát triển, nhưng nếu chỉ đúng 1, 2 thể loại thôi thì sao thành “cái chợ” được.
– Nghĩa là anh sẽ không vì doanh thu mà buộc mình chạy theo trào lưu?
– Qua từng giai đoạn, tôi nhận ra mình chỉ có thể làm những thứ gì đó sâu sắc. Con người thường có 2 sắc thái: nhạy bén và sâu sắc. Không thể bắt người nhạy bén sâu sắc được và ngược lại.
Nên cái gì “bắt trend” là tôi không giỏi. Tôi đi chậm, nhưng thế mạnh là biết cách len lỏi, tạo cho người xem những sự rung động. Trên con đường này, điều đầu tiên tôi tập là sự điềm tĩnh, vì thế giới bên ngoài có nhiều người chạy vượt mình, nên phải bản lĩnh để chậm lại và tạo ra những giá trị sâu sắc hơn.
Những phim tôi làm có thể gây tranh cãi, vì không chiều chuộng khẩu vị số đông. Nhưng nhiều năm sau, chúng vẫn giữ giá trị và được công nhận.
– Anh điềm tĩnh, kiên định với lựa chọn của bản thân. Song đâu phải nhà đầu tư nào cũng cho đạo diễn nhiều cơ hội để kiên định, nhất là trong trường hợp phim thua lỗ?
– Tôi may mắn khi có những nhà đầu tư, đối tác chọn mình. Phải có một giá trị nhất định nào đó thì người ta mới tìm tới, cho cơ hội để mình làm phim. Tôi dùng từ “cho cơ hội” vì thị trường bây giờ không dễ, ai cũng muốn chọn những dự án dễ sinh lời để đầu tư.
Tại sao người ta chọn đầu tư cho một dự án tốn nhiều tiền, công sức như Công tử Bạc Liêu vì nó đem lại giá trị. Phải có những dự án như vậy và hơn thế nữa thì nền điện ảnh mới phát triển được.