Đạo diễn Việt đổ nợ, bán 3 căn nhà vì thị trường phim rất khốc liệt

Thị trường điện ảnh là mảnh đất khắc nghiệt, với tốc độ đào thải lớn. Không ít đạo diễn Việt phải bán nhà, lâm vào cảnh nợ nần khi làm phim.

Nhìn từ bên ngoài, điện ảnh là lĩnh vực hào nhoáng và đầy hấp lực. Nhất là khi những cái tên đạo diễn nghìn tỷ đồng của phim Việt gồm Lý Hải, Trấn Thành xuất hiện. Bên cạnh đó, không ít nhà làm phim nội địa có những tác phẩm trăm tỷ đồng ngoài phòng vé.

Song điện ảnh chưa bao giờ là “miếng bánh” dễ xơi. Và không phải nhà làm phim nào cũng dễ dàng trở thành Lý Hải, Trấn Thành.

Nhiều đạo diễn đã phải dừng lại hành trình của họ sau dự án đầu tay vì phim thua lỗ. Không ít nhà làm phim bán nhà cửa, lâm vào cảnh nợ nần khi thử sức với điện ảnh.

7/10 phim Việt ra rạp lỗ và lỗ nặng

Đó là thực trạng của điện ảnh Việt trong nửa năm qua. Số lượng phim thất bại ngoài phòng vé chiếm tỷ trọng 70% trong biểu đồ điện ảnh. Hai phim thắng lớn gồm MaiLật mặt 7: Một điều ước đều có doanh thu cao ngất ngưởng, trên 400 tỷ đồng. Ngược lại, Đóa hoa mong manh của Mai Thu Huyền chỉ thu hơn 400 triệu đồng. Mức chênh lệch giữa phim có doanh thu cao nhất và thấp nhất khoảng hơn 1.000 lần.

Những con số trên thực sự biết nói. Dữ liệu này càng chứng minh thực tế về sự khắc nghiệt của thị trường điện ảnh Việt hiện tại. Cuộc chơi với bộ môn nghệ thuật thứ 7 càng lúc càng khốc liệt với những đòi hỏi cao và khả năng ngã ngựa ngoài phòng vé lớn.

Không chỉ năm nay, các năm trước, tỷ lệ phim Việt thua lỗ luôn nằm ở mức cao. Đơn cử, vào năm 2022, 28/38 dự án phim lỗ và lỗ nặng. Em và Trịnh là phim Việt duy nhất cán mốc trên 100 tỷ đồng doanh thu. Đây cũng là năm phim Việt có tỷ lệ thua lỗ nặng nề nhất của thị trường điện ảnh Việt trong 5 năm trở lại. Loạt phim Việt như Người tình, Duyên ma, 578: Phát đạn của kẻ đen, Kẻ thứ ba, Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác… đều thất bại ngoài phòng vé.

Trong 3 năm (2019 – 2021), theo thống kê của Box Office Vietnam, có tổng 74 phim Việt được công chiếu, trong đó có 20 tác phẩm đạt doanh thu tốt, 54 phim lỗ và lỗ nặng (chiếm 73%).

Đáng chú ý vào năm 2019, thời kỳ điện ảnh Việt phát triển sôi động nhất trước dịch Covid-19, với 41 phim ra mắt, 3 tác phẩm có doanh thu trên 150 tỷ đồng gồm Hai Phượng, Cua lại vợ bầuMắt biếc; 3 phim đạt 80-100 tỷ đồngLật mặt: Nhà có khách, Trạng QuỳnhChị chị em em; 8 phim có doanh thu 30-60 tỷ đồng và 27 tác phẩm dưới 24 tỷ đồng. Trong số các phim còn lại, có 18 tác phẩm doanh thu dưới 3,5 tỷ đồng, 2 phim đạt 4-5 tỷ đồng.

Thậm chí, có những phim Việt chỉ thu vài trăm triệu đồng, có thể kể đến như Thiên sứ không phép màu, Những cánh én đầu tiên, Cậu chủ ma cà rồng

Phim lỗ, đạo diễn phải bán nhà, đổ nợ

“Làm một phim, bán một căn nhà là chuyện bình thường”, một đạo diễn (xin giấu tên) chia sẻ với chúng tôi.

Người này cho biết anh từng trải qua cú sốc khi dự án đầu tay có doanh thu thấp ngoài phòng vé. Số tiền đầu tư phim lớn song gặp những vấn đề trong quá trình giải ngân dòng vốn khiến đạo diễn lâm vào khó khăn. Anh phải cầm cố nhà để trả nợ và làm thêm các công việc khác nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn trong những năm qua.

dien anh Viet,  thi truong khac nghiet,  phim Viet,  dao dien ban nha,  ly hai,  tran thanh anh 5

Đạo diễn Bá Cường phải bán nhà sau khi phim thua lỗ.

Câu chuyện của đạo diễn đề cập ở trên không phải hiếm tại thị trường điện ảnh Việt những năm qua.

Đạo diễn Bá Cường hơn ai hết là người thấu hiểu nỗi đau này. Năm 2021, Võ sinh đại chiến do Bá Cường cầm trịch thua lỗ hơn 20 tỷ đồng và phải rút rạp. Thời điểm đó, anh cho biết bị sang chấn tâm lý khi đứa con tinh thần chết dần, chết mòn.

“Tôi chỉ ở trong nhà đi tới, đi lui, hoang mang về mọi chuyện. Sau đó, tôi tự ý thức được rằng mình là người đứng đầu dự án, mình phải đứng dậy chiến đấu vì mọi người trong ê-kíp. Nhưng cuối cùng, tôi chỉ chiến đấu được tới đây thôi, tôi không còn sức lực nữa rồi. Cha mẹ lo lắng tôi sống một mình ở TP.HCM dễ xảy ra chuyện nếu quá sốc hoặc lao lực nên bảo rằng: “Con về quê đi, đừng ở thành phố một mình nữa”, anh nhớ lại.

Thất bại doanh thu của phim khiến nam đạo diễn phải bán 3 căn nhà để trả nợ. Trong một thời gian dài sau đó, Bá Cường ngưng làm phim. Anh áp lực đến mức muốn từ bỏ hành trình làm đạo diễn.

Ngoài Bá Cường, nhiều đạo diễn khác cũng nếm “trái đắng” khi thử sức với phim ảnh. Không ít nhà làm phim mất hút sau dự án đầu tay. Một trong số đó có thể kể đến như đạo diễn Chung Chí Công (Trời sáng rồi, ta đi ngủ thôi – 2019); Lê Minh Hoàng (Sài Gòn trong cơn mưa – 2020)…

Đạo diễn Ngụy Minh Khang kể với chúng tôi, vào năm 2017, anh ra mắt tác phẩm đầu tay Kẻ trộm chó. Khi đó anh 28 tuổi. Dự án có doanh thu thấp, vượt ngoài kỳ vọng. Điều này khiến đạo diễn suy sụp hoàn toàn.

“Trước khi ra rạp, tôi đã đem phim cho nhiều đạo diễn có tiếng thời đó xem trước. Họ đánh giá phim của tôi ổn, hoàn toàn có khả năng sinh lời. Tuy nhiên, Kẻ trộm chó chỉ thu dưới 3 tỷ đồng. Đến bây giờ, tôi vẫn phải tiếp tục trả khoản nợ từ đợt làm phim đó”, đạo diễn 35 tuổi chia sẻ.

Thất bại năm đó như một cú sốc lớn với Ngụy Minh Khang. Thời gian sau, anh phải đi bán hủ tiếu kiếm sống, thậm chí không dám đến các rạp chiếu xem phim.

Nhà làm phim Việt “đâm lao theo lao”?

Sau thất bại của dự án đầu tay, các đạo diễn đều có những bài học nhãn tiền về công việc làm phim và sự khốc liệt của thị trường.

Với Ngụy Minh Khang, anh cho rằng: “Thời điểm đó tôi còn quá trẻ, ngoài làm phim, tôi không có bất kỳ kiến thức nào liên quan đến phát hành, marketing, hay lựa chọn thời điểm chiếu phù hợp. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy lỗ là chuyện hiển nhiên. Cũng may thời điểm đó chỉ lỗ 4, 5 tỷ đồng, chứ nếu đầu tư nhiều hơn chắc sẽ lỗ nặng hơn”.

Gần nhất, đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm có dự án đầu tay Cái giá của hạnh phúc nhưng lỗ hơn 20 tỷ đồng. Đạo diễn cho biết bài học lớn nhất được rút ra là do anh không nắm được thị hiếu khán giả Việt và đề tài phim kém hấp dẫn người xem trẻ tuổi.

Anh Nguyên Lê, người có nhiều năm hoạt động tại Mỹ trong lĩnh vực phê bình phim, cho rằng thị trường điện ảnh trên thế giới luôn khắc nghiệt, không chỉ ở Việt Nam.

Giải thích lý do ngày càng nhiều đạo diễn nội địa thất bại ngoài phòng vé, anh Nguyên Lê chỉ ra nguyên nhân nằm ở tư duy làm phim hạn chế của người cầm trịch trong khi đó sự đòi hỏi về chất lượng tác phẩm điện ảnh từ phía khán giả ngày càng cao.

“Các nhà làm phim hiện tại có nhiều thuận lợi hơn so với thế hệ trước, nhất là về công nghệ. Vì thế, quá trình sáng tạo trong điện ảnh, cách kể chuyện của đạo diễn trẻ càng phải có nhiều sự cân nhắc, suy nghĩ hơn”, anh chia sẻ.


Cùng chuyên mục