Diễn viên ‘Tây du ký’ đòi bỏ phim vì trang phục quá hở

Vì trang phục mỏng và hở vai, bụng, bảy diễn viên đảm nhận vai nhện tinh trong “Tây du ký” 1986 đòi bỏ quay phim.

Tây du ký 1986 được coi là phiên bản kinh điển và thành công nhất của điện ảnh Trung Quốc. Theo Sohu thống kê, tính tới năm 2015, bộ phim đã chiếu đi chiếu lại hơn 3000 lần dù kĩ xảo “giả trân”. Trong Tây du ký 1986, dù là bốn thầy trò Đường Tăng hay yêu ma quỷ quái, thần tiên, tiên nữ,… đều có tạo hình vô cùng hoàn hảo và tuyệt mĩ, thỏa mãn trí tưởng tượng của khán giả khi đọc tiểu thuyết.

Theo Sina, sở dĩ Dương Khiết nhận lời quay Tây du ký vì không hài lòng với những tác phẩm điện ảnh và truyền hình trước đó. Mặc dù Tây du ký đứng đầu trong danh sách tứ đại danh tác của Trung Quốc nhưng Nhật Bản mới là quốc gia đầu tiên sản xuất bộ phim này. Tuy nhiên, Tây du ký của Nhật Bản đã thay đổi hoàn toàn nguyên tác so với tiểu thuyết gốc. Trong phiên bản Nhật, nhân vật Đường Tăng và Phật Tổ Như Lai đều do diễn viên nữ đảm nhận.

Tay Du Ky anh 1

Tây du ký là bộ phim kinh điển của Trung Quốc.

Ngoài phiên bản của Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) cũng gây sốc với phiên bản Đường Tăng khóc lóc đòi cưới yêu tinh nhưng lại bị Tôn Ngộ Không dùng gậy đánh bất tỉnh. Khi biết chuyện, Dương Khiết cảm thấy rất tức giận khi Tây du ký không được làm giống nguyên tác.

Do đó, khi đạo diễn Vương Phù Lâm đề xuất thực hiện loạt phim dựa trên tứ đại danh tác của Trung Quốc, đài CCTV đã đồng ý. Nhân cơ hội này, Dương Khiết đưa ra yêu cầu quay Tây du ký và được nhà đài chấp thuận. Cuối cùng, Vương Phù Lâm được giao thực hiện “Hồng lâu mộng”, còn Dương Khiết làm đạo diễn Tây du ký.

Về việc lựa chọn diễn viên, đạo diễn Dương Khiết có yêu cầu rất khắt khe. “Điều đầu tiên tôi muốn là các diễn viên phải đẹp, có nhan sắc. Dù là một đứa trẻ cho tới yêu quái hay một vai phụ trong phim, tôi đều muốn họ phải khiến khán giả ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên, do đó, nhan sắc là yếu tố tiên quyết”, Dương Khiết từng tuyên bố.

Để các diễn viên khoe được vẻ đẹp của mình, đạo diễn Dương Khiết đã đặc biệt mời Vương Hi Trung – một nghệ sĩ trang điểm nổi tiếng nhất lúc bấy giờ cùng lên ý tưởng tạo hình cho mỗi một nhân vật trong Tây du ký, đặc biệt là diễn viên nữ.

Khi quay Tây du ký, đạo diễn họ Dương đề cao tính thẩm mỹ trong từng cảnh quay. Do đó, ngay từ khâu casting diễn viên nữ, dù là vai phụ không có thoại hay chỉ xuất hiện chỉ vài giây, đạo diễn Dương Khiết không hề chiếu lệ chọn qua loa mà phải tìm diễn viên hợp ý bà.

Tay Du Ky anh 2

Cố đạo diễn Dương Khiết.

Bên cạnh việc casting diễn viên, trang phục của các nhân vật trong phim cũng là yếu tố quan trọng không kém và cũng là vấn đề khiến cố đạo diễn Dương Khiết “đau đầu” nhất. Tây du ký được thực hiện trong vòng 6 năm, bắt đầu từ năm 1982 và kéo dài tới năm 1988 mới hoàn thành. Năm 1986, đài CCTV công chiếu 11 tập đầu tiên đồng thời lấy năm phát sóng đầu làm năm phát hành gốc do đó bộ phim có tên gọi Tây du ký 1986.

Theo Sina, vào đầu thập niên những năm 80, suy nghĩ của mọi người thường khá bảo thủ, phần lớn các diễn viên nữ không quen với trang phục mỏng của đoàn làm phim. Mặc dù phục trang của Tây du ký không hề hở hang nhưng các diễn viên vẫn không muốn mặc vì chúng khá mỏng. Điều này đã gây áp lực cho đạo diễn Dương Khiết lúc bấy giờ. Để việc quay phim được suôn sẻ, Dương Khiết phải làm công tác tư tưởng cho các diễn viên nữ nhưng không thành công.

Tay Du Ky anh 3

Đạo diễn Dương Khiết phải nhiều lần thuyết phục các diễn viên nữ mới chịu mặc trang phục mỏng tang khi vào vai tiên nữ trên thiên đình.

Khi thực hiện phân cảnh múa ở thiên cung, mặc dù các diễn viên đều là vũ công chuyên nghiệp nhưng họ vẫn cảm thấy trang phục quá mỏng. Do ngại ngùng và xấu hổ, các động tác múa chưa được uyển chuyển và đẹp mắt, cảnh quay bị hỏng khiến đạo diễn Dương Khiết không hài lòng.

Trên phim trường, bà tích cực động viên các vũ công: “Các bạn đang nhập vai là tiên nữ ở thiên cung, tiên nữ mà mặc đồ dày thì không thể tạo được nét uyển chuyển, thướt tha. Tác phẩm này là một kinh điển huyền thoại, chẳng có gì phải e sợ hay ngại ngùng”.

Dù đã dưới sự động viên liên tục của đạo diễn Dương Khiết, cuối cùng, các diễn viên nữ mới “miễn cưỡng” hoàn thành cảnh quay với trang phục mà theo họ là “khá mát mẻ” vào lúc bấy giờ. Nhờ đó, khán giả được thưởng thức cảnh múa trên thiên đình vô cùng đẹp mắt.

Diễn viên Chu Lâm – người đảm nhận vai Tây Lương nữ vương cũng rơi vào tình huống tương tự vì trang phục quá mỏng. Đặc biệt, phần cổ được thiết kế “rộng mênh mông” khiến Chu Lâm e dè dù cô là diễn viên chuyên nghiệp, từng đóng phim nhiều điện ảnh và truyền hình.

Tay Du Ky anh 4

Chu Lâm phải quay đi quay lại nhiều lần vì trang phục mỏng, cổ rộng “mênh mông” khiến cô e ngại.

Trong quá trình quay, Chu Lâm vì sợ bị hớ hênh nên tâm trạng luôn lo lắng, làm hỏng nhiều cảnh quay. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ quay, buộc cô và Từ Thiếu Hoa phải quay đi quay lại nhiều lần khiến đạo diễn Dương Khiết rất tức giận. Sau nhiều lần “đả thông” tư tưởng, Chu Lâm mới yên tâm hoàn thành cảnh quay.

Tuy nhiên, đến phần phim “Kiếp nạn động bàn tơ”, đạo diễn Dương Khiết đã không may mắn như hai lần trên khi các diễn viên nữ thực sự “đình công” không chịu quay vì trang phục “hở quá đà”.

Trong nguyên tác Tây du ký, nhện tinh được miêu tả có nhan sắc giống như Hằng Nga giáng trần, chẳng khác nào tiên nữ hạ phàm với “thân thể ngọc ngà trắng như tuyết, da mềm mại như bông, khuỷu tay, bờ vai thơm tựa cánh hồng”.

Tay Du Ky anh 5

Dàn diễn viên đóng nhện tinh quyết “đình công” không đóng phim vì trang phục hở bạo.

Để làm đúng như nguyên tác, nhện tinh trong phim phải mặc trang phục để lộ vai thon, cánh tay, eo thậm chí là lưng. Lý do các diễn viên nữ đóng vai nhện tinh “đình công” không chịu quay vì trang phục của đoàn phim chuẩn bị khá táo bạo.

Sina cho biết, bảy diễn viên nữ đóng vai nhện tinh có tuổi đời còn rất trẻ. Thậm chí, người nhỏ nhất chỉ mới 15 tuổi. Khi nhìn thấy phục trang do đoàn phim chuẩn bị, họ rất sốc. Những trang phục này phần lớn đều hở vai, bụng. Vào thời điểm đó, đối với các bé gái, trang phục để lộ cánh tay và rốn không khác mấy so với việc không mặc quần áo.

Trong quá trình thử đồ, các diễn viên nhìn thấy những bộ quần áo mỏng, hở vai, bụng nên đã từ chối mặc. Cho dù đạo diễn Dương Khiết có khuyên bảo, động viên, các diễn viên nữ vẫn nhất quyết không chịu mặc.

Tay Du Ky anh 6

Bảy diễn viên đóng nhện tinh trong “Tây du ký” tuổi đời còn rất trẻ, người nhỏ nhất chỉ mới 15 tuổi.

Đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, đạo diễn Dương Khiết không còn cách nào khác là phải tìm một nhà thiết kế trang phục sửa lại phục trang của bảy nhện tinh trong phim.

Nhằm đảm bảo trang phục vẫn mang tính thẩm mỹ mà các diễn viên không cảm thấy lo lắng vì hở hang, đạo diễn Dương Khiết yêu cầu nhà thiết kế may thêm một lớp vải màu nude giống với màu da nhất sau đó mới đính lớp vải tuyn mỏng đủ các màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng lên phía trên tạo cảm giác mềm mại, uyển chuyển cho người mặc. Bằng cách này, các diễn viên nữ mới miễn cưỡng mặc trang phục của nhện tinh khi lên hình.

Tay Du Ky anh 7

Để nhận được cái gật đầu của 7 diễn viên nữ, đạo diễn Dương Khiết phải may thêm một lớp vải màu nude “bảo hộ”.

Sau khi phần phục trang được giải quyết, đạo diễn Dương Khiết lại gặp khó với một cảnh quay đặc tả để hở đùi, rốn của nhện tinh. Do hoàn toàn không thể thương lượng với các diễn viên nữ về việc để lộ một phần thân thể trên màn ảnh, đạo diễn Dương Khiết quyết định tìm một diễn viên nam để đóng thế cảnh hở bụng và đùi.

Lúc này, trên phim trường, đạo diễn Dương Khiết chú ý đến Hạng Hán – nam diễn viên đóng vai Hắc Hùng Tinh (hay còn gọi là yêu quái Gấu đen). “Hạng Hán, tôi thấy rốn của cậu rất đẹp. Chính là cậu rồi”, đạo diễn Dương Khiết nói. Vừa dứt lời, Dương Khiết đã kéo Hạng Hán đi để thực hiện cảnh quay trên thay cho các diễn viên nữ. Và dĩ nhiên, chiếc rốn xinh xắn đáng yêu trên màn ảnh mà khán giả thấy trong Tây du ký không phải của các nàng nhện tinh mà thực chất là của Hắc Hùng Tinh.

Tay Du Ky anh 8

Nam diễn viên Hạng Hán – người đóng vai Hắc Hùng Tinh được chỉ định đóng thế một cảnh hở rốn cho các diễn viên nữ.

Tây du ký của đạo diễn Dương Khiết tới nay vẫn là bộ phim kinh điển nhất của Trung Quốc đồng thời cũng là tuổi thơ của nhiều thế hệ khán giả. Thời điểm làm phim dù thiếu thốn đủ đường, không có kinh phí, không hiệu ứng đặc biệt, thiết bị thô sơ, công nghệ lạc hậu nhưng bằng sự tâm huyết, cố đạo diễn Dương Khiết vẫn làm ra một tác phẩm để đời trong sự nghiệp của mình.


Cùng chuyên mục