Không chỉ là một trào lưu, “Gyaru” còn là một tinh thần sống tích cực đang lan toả mạnh mẽ tại xứ sở hoa đào. Ảnh minh họa: @1stwest_/IG. |
Cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, những cô nàng “gyaru” Nhật Bản đã tạo nên một cơn sốt thời trang với phong cách “nổi loạn”. Họ nhuộm tóc sáng màu, nhuộm da nâu và trang điểm đậm – gần như đi ngược lại với các tiêu chuẩn sắc đẹp ở xứ hoa anh đào.
Sau gần 20 năm, các “gyaru” bất ngờ được săn đón nhờ khả năng giao tiếp cởi mở và thẳng thắn. Họ trở thành những chuyên gia truyền thông tại các buổi hội thảo được tổ chức bởi doanh nghiệp và cơ quan chính phủ, theo Japan Times.
Những buổi họp của công ty CGO có sự tham gia của các gyaru. Ảnh: @gal_cgo/IG. |
Những buổi đào tạo về kỹ năng giao tiếp của những gyaru nhấn mạnh vào việc lắng nghe trực giác và thể hiện bản thân một cách chân thành. Kỹ năng này được xem như phương pháp biến những cuộc họp khô khan và bài thuyết trình nhàm chán thành những trải nghiệm tương tác linh hoạt hơn.
Một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực này là CGO.com có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản). Từ năm 2020, công ty đã tổ chức các buổi tư vấn giới thiệu cách giao tiếp cởi mở và thẳng thắn của gyaru. Đến nay, CGO.com đã cung cấp dịch vụ cho khoảng 50 khách hàng, bao gồm cả những công ty lớn như Nissan và Japan Freight Railway.
Trong một buổi tư vấn gần đây, nữ nhân viên của CGO trong trang phục sặc sỡ đã khuyến khích các học viên lặp lại những cụm từ ngắn gọn và thân mật như “sore na” (đúng vậy), “yatte ko” (hãy làm điều đó) và “ii jan” (tuyệt vời). Mục đích của việc này là tạo ra một bầu không khí thoải mái và khuyến khích mọi người tham gia đóng góp ý kiến.
Những quy tắc cơ bản trong buổi tư vấn bao gồm sử dụng biệt danh ngay cả với sếp, bỏ qua kính ngữ, không im lặng quá 5 phút và mặc trang phục yêu thích. Khi buổi học diễn ra và những ngôn ngữ kiểu gyaru được lặp đi lặp lại, các học viên dần cảm thấy thoải mái hơn trong việc bày tỏ quan điểm của mình.
“Tôi chỉ cố gắng khuyến khích mọi người tích cực và vui vẻ”, nhân viên của CGO (29 tuổi), tự xưng là Gyaru Daijin (Bộ trưởng Gyaru), chia sẻ.
Trong các buổi tư vấn, cô hầu như không làm gì đặc biệt, ngoài việc giúp mọi người chủ động hơn. Chẳng hạn, khi một người tham gia nói, “Tôi chưa làm được gì đáng khen cả,” cô sẽ xoay chuyển câu trả lời theo hướng tích cực, chỉ ra rằng sự khiêm tốn đó chính là điểm tốt của họ.
Không chỉ đơn thuần là phong cách thời trang, các “gyaru” còn mang đến một thông điệp sâu sắc về sức mạnh của sự tích cực và trân trọng bản thân. Ảnh minh họa: @1stwest_/IG. |
Chính những trải nghiệm thời trung học đã thúc đẩy Gyaru Daijin theo đuổi phong cách gyaru. Cô từng cảm thấy khó khăn khi không thể tự do thể hiện bản thân vì những quy định nghiêm ngặt về trang phục. Điều này đã thôi thúc cô nỗ lực học tập để vào một ngôi trường có môi trường tự do hơn, nơi cô có thể thoải mái thể hiện phong cách của mình.
Yusuke Arai, phó giáo sư xã hội học văn hóa tại Đại học Meisei (Nhật Bản), cho rằng nhận thức về gyaru đã thay đổi từ những cô gái nổi loạn thành những người theo đuổi lối sống riêng, không bị ảnh hưởng bởi người khác.
Trong bối cảnh tương lai đầy biến động, tư duy tích cực của gyaru thậm chí còn được coi là “gương mẫu” và được xã hội đánh giá cao. Sự trở lại của các món đồ thời trang từ những năm 2000, như giày đế dày, cũng góp phần thúc đẩy sự hồi sinh của văn hóa gyaru.
Theo dự báo xu hướng năm 2024 của SHIBUYA109 lab, công ty tiếp thị hướng đến giới trẻ, “trải nghiệm gyaru”, mặc quần áo và trang điểm theo phong cách gyaru thời Heisei (giai đoạn lịch sử Nhật Bản năm 1989-2019), có thể trở thành một xu hướng.
“Bằng cách hóa thân thành một gyaru, mọi người có thể tự nâng cao tinh thần tích cực và không còn bị ảnh hưởng bởi người khác”, Mai Osada, Giám đốc của SHIBUYA109 lab, chia sẻ.
Gyaru có thể coi là biểu tượng của sự tự tin, tích cực và tinh thần dám sống theo cách riêng. Ảnh minh họa: @itspinkii/IG. |