Thất nghiệp gia tăng, bằng cấp “mất giá” đẩy giới trẻ Trung Quốc về quê “nghỉ hưu”. Ảnh minh họa: LiZiqi/Youtube. |
Người dùng Douyin có biệt danh Wenzi Dada từng trải qua nhiều nghề như sửa chữa ôtô, xây dựng, sản xuất đã quyết định từ bỏ cuộc sống thành thị để trở về quê hương Quý Châu (Trung Quốc).
Trên trang cá nhân, anh cho biết đã quá mệt mỏi với guồng quay công việc và hiện đã tìm thấy ý nghĩa cuộc sống trong sự bình yên của miền quê, nơi anh có thể tự tay nấu ăn, trồng rau và sửa sang lại túp lều nhỏ.
Không riêng Wenzi, giữa bối cảnh thị trường việc làm ảm đạm, ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc chọn rời xa phố thị để tìm kiếm sự an yên nơi thôn quê.
Trên mạng xã hội, không khó để bắt gặp những bạn trẻ tự nhận mình là “người về hưu”, chia sẻ về cuộc sống giản dị nơi làng quê sau khi thất nghiệp hoặc mất việc.
Xu hướng về hưu sớm này đang phổ biến ở những người lao động sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến 2000, theo CNBC.
Giới trẻ Trung Quốc “thà ở nhà với bố mẹ” còn hơn làm việc lương thấp. Ảnh minh họa: EPA. |
Xu hướng “nghỉ hưu” ở nông thôn
Theo Chung Chi Nien, giáo sư tại Đại học Bách khoa Hong Kong, giới trẻ Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng việc làm chưa từng có.
Năm nay, thị trường lao động nước này đón nhận số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học kỷ lục, lên tới 11,8 triệu người, khiến cạnh tranh trở nên khốc liệt và bằng cấp dần “mất giá”. Điều này càng làm suy giảm cơ hội việc làm cho những người trẻ thiếu kinh nghiệm.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc trong tháng 8 đã đạt mức kỷ lục mới là 18,8%, cao nhất kể từ khi hệ thống lưu trữ hồ sơ mới được áp dụng vào tháng 12, tăng từ mức 17,1% trong tháng 7.
Tình hình kinh tế ảm đạm với nhu cầu nội địa yếu kém cùng sự suy thoái của thị trường bất động sản càng làm trầm trọng thêm vấn đề.
“Nếu kết hợp tất cả yếu tố này lại với nhau, không có gì ngạc nhiên khi những người trẻ tuổi đang chọn ‘rút lui’ hoặc ‘nghỉ hưu’ về nông thôn. Tìm kiếm việc làm, đặc biệt là những công việc tốt tại các thành phố lớn, đang trở thành thử thách quá sức với nhiều người”, giáo sư Chung nhận định.
Theo Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại Hang Seng Bank China, 3 năm qua, các ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao, đặc biệt là bất động sản và tài chính, vốn là “miền đất hứa” cho sinh viên mới tốt nghiệp, đã bị thu hẹp mạnh.
Thực tế, nhiều người trẻ “nghỉ hưu” vẫn có thu nhập từ kinh doanh online hoặc làm KOL. Ảnh minh họa: LiZiqi/Youtube. |
Dù vẫn còn những công việc lương thấp ở các thành phố như giao hàng hay lái xe công nghệ, nhiều người trẻ có trình độ học vấn lại không mặn mà với những lựa chọn này.
“Họ thà ở nhà với cha mẹ và chờ đợi một công việc tốt hơn”, Keyu Jin, phó giáo sư kinh tế tại Trường Kinh tế London, nhận định.
Tuy nhiên, những “người về hưu” trẻ tuổi này không đồng tình với những lời chỉ trích cho rằng họ kén chọn hay thiếu nỗ lực.
“Đây là cách chúng tôi chuẩn bị cho cuộc sống nghỉ hưu sau này”, Wenzi phản bác. Anh cho biết bản thân thường xuyên phải chịu sự so sánh, phán xét từ bạn bè đồng trang lứa và người dân ở địa phương.
“Ai quy định rằng người trẻ nhất định phải ra ngoài làm việc?”, Wenzi đặt câu hỏi.
‘Viện dưỡng lão’ cho người trẻ
Nắm bắt xu hướng “nghỉ hưu sớm”, nhiều cơ sở kinh doanh tại Trung Quốc nhanh chóng cho ra đời mô hình “viện dưỡng lão” dành riêng cho nhóm khách hàng này.
Được quảng cáo là nơi lý tưởng để “nằm yên” (tang ping), hình thức phản kháng thầm lặng trước áp lực của văn hóa làm việc quá sức, các “viện dưỡng lão” cung cấp không gian nghỉ ngơi, thư giãn, thậm chí có nơi còn từ chối phục vụ khách hàng trên 45 tuổi.
Dù nhiều chuyên gia cho rằng đây có thể chỉ là chiêu trò tiếp thị, nhưng sự phổ biến của mô hình này phần nào phản ánh tâm lý chán nản, bế tắc và khao khát một cuộc sống chậm hơn của thế hệ Gen Z và Millennials.
Dịch vụ nhà dưỡng lão dành cho giới trẻ như homestay cộng đồng, nơi mọi người cùng chung tay đóng góp vì lợi ích chung. Ảnh minh họa: QQ. |
“Giới trẻ đang phải chịu áp lực quá lớn hoặc cảm thấy tuyệt vọng. Họ tìm đến những nơi này để tĩnh tâm và sắp xếp lại cuộc sống”, Jia Miao, trợ lý giáo sư tại Đại học New York Thượng Hải, nhận định.
Dù vùng quê mang đến sự bình yên, tĩnh lặng, trở thành nơi trú ẩn tạm thời cho những người trẻ thất nghiệp, nhưng nhiều chuyên gia nhận định đây khó có thể là giải pháp lâu dài.
Cuộc sống nông thôn với những hạn chế về cơ sở vật chất, dịch vụ y tế, giáo dục khó có thể đáp ứng nhu cầu và lối sống hiện đại mà giới trẻ mong muốn.
“Hình thức di cư ngược này không có khả năng trở thành xu hướng dài hạn. Mục tiêu cuối cùng của họ vẫn là quay trở lại thành phố”, ông Wang kết luận.