Hốt bạc từ trào lưu gây tranh cãi

“Tradwife” được hiểu là những influencer xây dựng hình tượng bà nội trợ truyền thống, sở hữu cuộc sống trong mơ trên mạng xã hội, thu hút số lượng lớn nhãn hàng hợp tác.

Hình tượng phụ nữ có cuộc sống gia đình viên mãn được các thương hiệu yêu thích. Ảnh minh hoạ: @huyenbaby89.

Nara Smith là cái tên thu hút sự chú ý trên mạng xã hội trong thời gian gần đây. Người mẫu, nhà sáng tạo nội dung 22 tuổi này trở thành tâm điểm sự quan tâm với những video thực hiện hàng loạt bữa sáng “thiếu thực tế” cho chồng và 2 con.

Trong khi một số cosplay clip của Nara Smith với mục đích chế nhạo hình tượng bị cho là phản nữ quyền mà cô xây dựng, nhiều người khác lại thể hiện sự ngưỡng mộ đối với đời sống gia đình hạnh phúc này.

Mặc dù là trung tâm của những cuộc tranh luận liên quan đến trào lưu “tradwife” (tạm dịch: “người vợ truyền thống”), nhà sáng tạo nội dung này vẫn liên tục thu hút các nhãn hàng mời quảng cáo. Các thương hiệu liên hệ cô để tiếp thị sản phẩm bao gồm nhãn hiệu thời trang Calvin Klein, Aritzia và nhà sản xuất nước uống Poppi, AdAge đưa tin.

trao luu vo dam,  tradwife la gi,  traditional wife,  ba noi tro,  phan nu quyen,  nguoi vo truyen thong. anh 3

Nara Smith là người dẫn đầu trào lưu tradwife thịnh hành trên mạng xã hội. Ảnh: @naraaziza.

Xu hướng ‘tradwife’ lên ngôi

Trong tuần qua, hashtag #tradwife được sử dụng trong 130.000 video và thu hút hơn 565 triệu lượt xem trên nền tảng TikTok. Nhãn dán này đạt 1,1 tỷ lượt xem chỉ trong 1 tháng qua.

Theo Alice Bull, nhà sáng lập công ty tiếp thị Graified, công chúng theo dõi các nhà sáng tạo nội dung như Nara Smith, Lydia Millen hay Hannah Neeleman vì yêu thích cuộc sống viên mãn, hạnh phúc mà những influencer này tạo ra trong khung hình.

Mặc dù tradwife dần trở thành một “hệ tư tưởng” trên mạng xã hội, những influencer được cho là tạo ra phong trào này không cố tình xây dựng hình tượng bà nội trợ kiểu mẫu. Các nhà sáng tạo nội dung này chỉ chia sẻ cuộc sống hàng ngày đáng mơ ước.

“Trào lưu này chỉ vẽ ra viễn cảnh về một cuộc sống ấm áp, tốt đẹp, không liên quan đến các quan điểm về nữ quyền”, Alice Bull nói.

Số lượng influencer thực hiện nội dung về phụ nữ nội trợ ngày càng gia tăng. Những nhà sáng tạo nội dung như Estee Williams, Gwen Swinarton hay Jasmine Darke thường xuyên diện những chiếc váy hoa nữ tính, tự tay thực hiện bữa ăn hoàn hảo dành cho chồng con.

Họ nhận về một số ý kiến chỉ trích của những khán giả cho rằng nội dung này phản phong trào nữ quyền. Nhiều người cho rằng các influencer này mang hình tượng bà nội trợ Mỹ từ những năm 1950 trở lại.

Trong khi hình tượng bà nội trợ tạo ra cuộc tranh cãi lớn trên mạng xã hội, đem đến những luồng ý kiến trái chiều, nhiều thương hiệu vẫn đề nghị hợp tác với những influencer dẫn đầu xu hướng.

trao luu vo dam,  tradwife la gi,  traditional wife,  ba noi tro,  phan nu quyen,  nguoi vo truyen thong. anh 6

Nhiều nhà sáng tạo nội dung thành công xây dựng bức tranh về cuộc sống trong mơ. Ảnh: @lydiamillen.

Các thương hiệu thích bà nội trợ

Ngay sau khi những video mô tả cuộc sống nội trợ của Nara Smith trở nên thịnh hành, các thương hiệu thời trang Calvin Klein, Revolve và Aritzia đồng loạt kết hợp với cô trong các clip được đăng tải trên TikTok và Instagram.

Bên cạnh các nhãn hàng thời trang, nhà sản xuất nước ngọt Poppi và sản phẩm men vi sinh Seed cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội hợp tác với influencer này.

Theo Amy Cotteleer, Giám đốc trải nghiệm và đối tác tại công ty quảng cáo Duncan Channon, các thương hiệu tìm đến những người có sức ảnh hưởng như Smith vì muốn sản phẩm của họ gắn liền với lối sống hoàn hảo như tranh vẽ.

Khách hàng mục tiêu của các nhãn hàng này không quan tâm đến quan điểm nữ quyền của influencer. Họ chỉ khao khát son môi, sản phẩm dưỡng tóc, thức uống của những người phụ nữ có cuộc sống như mơ trên màn hình điện thoại.

Trước đó, các thương hiệu cũng xem xét những người có sức ảnh hưởng ủng hộ trào lưu nữ quyền. Mặc dù thừa nhận sức ảnh hưởng của họ, các nhãn hàng từ chối hợp tác.

Họ cho rằng lối sống tối giản của những nhà sáng tạo nội dung này không phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Vì thế, doanh nghiệp không đạt được mục đích cuối cùng: bán nhiều sản phẩm hơn.

Emily Marcus, nhà sáng lập công ty truyền thông Emily Blair Media, khẳng định rằng hình tượng người vợ được công chúng đặc biệt yêu thích trong giai đoạn đầu năm nay. Xu hướng mob wife (ăn mặc như vợ của trùm mafia) gây sốt trên mạng xã hội là minh chứng rõ ràng cho quan điểm này.

Truyền thông cũng hướng sự chú ý vào những nàng WAG (vợ hoặc bạn gái của các vận động viên) từ khi chuyện tình giữa ca sĩ Taylor Swift và cầu thủ bóng bầu dục Travis Kelce được công khai.

“Hình tượng của Nara Smith là sự kết hợp giữa một IT Girl và bà nội trợ, chinh phục cả khán giả hiện đại và truyền thống”, Emily Marcus nói.


Cùng chuyên mục