Một trào lưu khá phổ biến trên TikTok dạo gần đây, đó là nhờ cộng đồng mạng vạch trần những kẻ bị tố ngoại tình.
Cụ thể, một người dùng lén ghi hình hoặc chỉ đơn giản chia sẻ thông tin nhận dạng của kẻ được cho là lăng nhăng, sau đó đăng lên nền tảng, kèm theo lời kêu gọi cộng đồng mạng truy tìm kẻ phản bội và cảnh báo cho người yêu hoặc bạn đời kẻ đó.
Tuy nhiên, hành động này không hoàn toàn tốt đẹp như nhiều người vẫn nghĩ, thậm chí tồn tại nhiều hậu quả khó lường, theo HuffPost.
Ngoại tình là đề tài gây nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh minh họa: SCREEN POST/Pexels. |
Tâm lý ‘người thực thi công lý’
Tháng 6, tài khoản @carolinerened trở nên nổi tiếng sau khi cô bí mật quay phim một người đàn ông đeo nhẫn cưới đang tán tỉnh nữ hành khách trên chuyến bay.
Đoạn video ngắn thu về hàng triệu lượt xem trước khi bị gỡ xuống. Trong một video tiếp theo, hiện cũng không còn tồn tại, nữ TikToker tuyên bố rằng hai hành khách trên đã hôn nhau và cùng vào phòng vệ sinh trong suốt chuyến bay.
Người phụ nữ kết thúc video bằng lời kêu gọi: “Vào việc đi, TikTok”. Và chỉ trong vòng 24 giờ, cộng đồng mạng tìm ra người đàn ông trong video cùng với vợ của anh ta.
Chia sẻ với Huffpost, Leanne Yau (Anh), chuyên gia về mối quan hệ tình cảm, cho biết trào lưu “bóc phốt kẻ ngoại tình” phản ánh phần nào tâm lý “vì chính nghĩa” của người đăng.
Ngoại tình là đề tài nhạy cảm, nhưng lại khá phổ biến. Kết quả khảo sát năm 2022 của Newsweek, thực hiện trên 1.500 người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên ở Mỹ về các mối quan hệ cá nhân, cho thấy 21% người tham gia thừa nhận từng ngoại tình. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các khảo sát này dựa trên dữ liệu tự báo cáo, nên con số thực tế có thể cao hơn.
Nhiều người hào hứng với trào lưu bóc phốt kẻ thứ ba vì có tâm lý “trừ gian diệt ác”. Ảnh minh họa: HuffPost. |
Điều này có nghĩa nhiều người từng bị phản bội hoặc biết ai đó trải qua điều này, khiến cho trải nghiệm này rất “nhạy cảm” và có thể “gây tổn thương sâu sắc”, theo Yau.
“Tôi nghĩ nhiều người muốn trừng phạt hoặc ngăn chặn những kẻ ngoại tình. Họ muốn nói sự thật cho bạn đời của những người này biết”, chuyên gia nói thêm.
Người bị lừa dối bị tổn thương nhiều nhất khi sự việc bị phơi bày. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels. |
Hậu quả khó lường
Dù những “thám tử mạng” tin rằng họ đang làm việc nghĩa khi vạch trần kẻ ngoại tình, hành động chia sẻ thông tin công khai lên mạng xã hội mang lại nhiều hệ lụy, như gây tổn hại cho chính nạn nhân bị lừa dối.
Chuyên gia Yau nhấn mạnh rằng khi phơi bày và bêu riếu kẻ ngoại tình, chúng ta cũng vô tình kéo theo rất nhiều sự chú ý không mong muốn đến nạn nhân.
“Không chỉ đối mặt với kẻ ngoại tình, nạn nhân còn phải chịu đựng áp lực khi cả thế giới biết chuyện nhưng không thể kiểm soat. Điều này tước đi quyền chủ động của nạn nhân, trong khi lẽ ra trọng tâm nên là trao quyền cho họ”, bà nói.
Bên cạnh đó, thực tế rằng có những người không ở trong mối quan hệ “một vợ một chồng”, tức các bên có thể đồng ý có tình cảm hoặc quan hệ với nhiều đối tượng khác.
Một số người đa ái (polyamory) đã mất việc hoặc quyền nuôi con khi lối sống của họ bị phát hiện, chuyên gia Yau cho biết. Họ cũng phải chịu hậu quả xã hội và bị ảnh hưởng danh tiếng nghiêm trọng.
Không phải ai cũng thoải mái với chuyện tình cảm của mình bị phơi bày lên mạng xã hội. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels. |
Đặt mình vào vị trí nạn nhân
Trào lưu này cũng đặt ra câu hỏi về định nghĩa “ngoại tình”.
Với một số người, trò chuyện vui vẻ với người ngồi cạnh trên máy bay đã là không chung thủy, tương tự việc nhắn tin hay gặp gỡ người yêu cũ.
Nhưng với một số khác, những điều này được chấp nhận, thậm chí được khuyến khích.
Luật sư ly hôn Randall Kessler, tác giả cuốn Divorce: Protect Yourself, Your Kids and Your Future (tạm dịch: Ly Hôn: Bảo Vệ Bản Thân, Con Cái và Tương Lai Của Bạn), cho hay ngoại tình là khái niệm khá mơ hồ.
“Liệu tán tỉnh có phải là ngoại tình không? Phần lớn khách hàng của chúng tôi thường đau khổ vì mối quan hệ tình cảm hơn là tình dục. Việc chia sẻ hy vọng và ước mơ với người khác đôi khi còn gây tổn thương hơn cả một lần quan hệ thể xác”, ông nói.
Ngoài ra, nếu nạn nhân bị phản bội là người quen, tình huống và cách xử lý của chúng ta cũng sẽ khác. Trong trường hợp đó, chúng ta có thể chỉ muốn tìm cách thông báo riêng và nhẹ nhàng. Đây thực sự là một tình huống khó xử, và quyết định cuối cùng phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Theo Kessler, điều tốt nhất chúng ta nên làm là đặt mình vào vị trí của người bị phản bội. Nếu đó là người thân, mình sẽ muốn người khác làm gì nếu họ biết chuyện.