Phong cách trang điểm kiểu Trung Quốc được yêu thích rộng rãi trên mạng xã hội thời gian gần đây, thúc đẩy xu hướng mua sắm mỹ phẩm nội địa xứ tỷ dân. Ảnh minh họa: @jessyluxe/IG. |
Cuối năm 2023, ngành mỹ phẩm Trung Quốc đón nhận tín hiệu lạc quan khi xuất khẩu mỹ phẩm nội địa sang Hàn Quốc tăng trưởng vượt bậc 190% trong 8 tháng đầu năm, đạt tổng giá trị 152 triệu USD, gấp 3 lần năm 2022.
Thị trường Nhật Bản cũng không kém phần sôi động, với kim ngạch xuất khẩu mỹ phẩm Trung Quốc đạt hơn 121 triệu USD, tăng trưởng ấn tượng 80% so với năm 2018.
Đáng chú ý, 6 quốc gia Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam cũng đóng góp đáng kể vào thành công này, với tổng giá trị nhập khẩu mỹ phẩm Trung Quốc lên tới 489,6 triệu USD, tăng 38% so với năm trước đó.
Số liệu chính thức từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy giá trị xuất khẩu mỹ phẩm nước này trong năm 2023 đạt gần 7,6 tỷ USD, gấp đôi so với một thập kỷ trước, theo Sixth Tone.
Tiếp thị thành công
Sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc đã tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của các ông lớn trong ngành, nổi bật là “Tứ đại Long”: Shein, Temu, AliExpress và TikTok Shop. Các nền tảng này đều ghi nhận những thành công đáng kể tại thị trường Đông Á, đặc biệt là Đông Nam Á.
Nhiều người dùng bao gồm cả beauty blogger cũng tin dùng mỹ phẩm Trung Quốc. Ảnh minh họa: @ugc_ninyaaa, @puruby. |
Trong 3 tháng đầu năm 2024, Temu và AliExpress đã lần lượt chiếm lĩnh vị trí quán quân và á quân trên bảng xếp hạng tải xuống ứng dụng mua sắm iOS tại Hàn Quốc, theo số liệu từ data.ai.
Không chỉ dừng lại ở đó, các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc cũng đang thể hiện sức mạnh thống trị tại Đông Nam Á, với sự góp mặt của những cái tên quen thuộc như Shopee (Tencent), Lazada (Alibaba) và tân binh TikTok Shop (Bytedance).
Xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến, đặc biệt là đối với các sản phẩm làm đẹp, đã mở ra cơ hội vàng cho các thương hiệu mỹ phẩm nội địa Trung Quốc.
Nắm bắt thời cơ, nhiều thương hiệu như Florasis, Perfect Diary, Into You, Flower Knows, Focallure và Colorkey đã nhanh chóng thiết lập các cửa hàng flagship trên các nền tảng thương mại điện tử lớn ở nước ngoài, đồng thời đẩy mạnh mở rộng hệ thống cửa hàng truyền thống và hợp tác với các nhà bán lẻ địa phương.
Thiết kế sản phẩm sáng tạo, bảng màu bắt mắt cùng mức giá tốt là những ưu điểm mỹ phẩm nội địa xứ tỷ dân thu hút người tiêu dùng. Ảnh minh họa: Fu Xiaofan/Sixth Tone. |
Việc quảng bá và quảng cáo phong cách trang điểm Trung Quốc trên mạng xã hội cũng được đẩy mạnh hơn trong những năm gần đây. Chiến lược này đã góp phần định vị phong cách trang điểm Trung Quốc là sự trưởng thành và trang nhã, khác biệt so với vẻ “ngây thơ, dễ thương” thường thấy ở các sản phẩm Nhật Bản, Hàn Quốc.
“Thành công của mỹ phẩm Trung Quốc đến từ sức mạnh của TikTok và các chiến dịch tiếp thị sáng tạo”, Hwee Chung, Giám đốc mảng làm đẹp tại Kantar Worldpanel, nhận định.
Mức giá ‘vừa túi tiền’
Hwee Chung cho rằng hình ảnh thương hiệu mới mẻ cùng mức giá phải chăng cũng là những yếu tố then chốt giúp các sản phẩm này chinh phục người tiêu dùng, đặc biệt là tại thị trường Hàn Quốc.
Trong bối cảnh thu nhập khả dụng của các hộ gia đình Hàn Quốc tăng chậm (dưới 2%) trong khi giá thực phẩm leo thang hơn 6%, theo Yonhap News Agency, người tiêu dùng Hàn Quốc, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, đang tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm chi tiêu.
Đây chính là cơ hội lớn cho các thương hiệu mỹ phẩm Trung Quốc với mức giá “mềm” hơn đáng kể so với các đối thủ phương Tây.
Mức giá mỹ phẩm Trung Quốc chênh lệch tương đối cao với sản phẩm của phương Tây. Ảnh minh họa: Fu Xiaofan/Sixth Tone. |
Trên sàn thương mại điện tử Amazon, mascara bán chạy nhất của L’Oreal có giá khoảng 10 USD, trong khi trên AliExpress, sản phẩm tương tự của thương hiệu Trung Quốc O.Two.O chỉ có giá 1 USD.
Xu hướng này không chỉ giới hạn ở Hàn Quốc mà còn lan rộng khắp Đông Nam Á.
Nghiên cứu của Meetsocial chỉ ra rằng phần lớn người tiêu dùng tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam đều ưa chuộng các sản phẩm trang điểm mắt dưới 2 USD, phân khúc giá “vừa túi tiền” mà nhiều thương hiệu Trung Quốc đang tập trung khai thác.