Nỗi sợ làm sếp

Nhiều quản lý cấp trung ở Mỹ đang từ bỏ công việc. Cảm thấy tự ti, hay việc công ty thiếu định hướng là lý do khiến họ kiệt sức.

Khi bị sa thải khỏi cửa hàng nội thất văn phòng, Bradley Fisher (Mỹ) khẳng định sẽ không bao giờ muốn đảm nhận vai trò quản lý cấp trung nữa.

Người đàn ông đã thăng chức nhiều lần trong công ty. Cuối cùng anh giữ chức vụ giám đốc tiếp thị, nơi anh quản lý một nhóm nhân sự nhỏ trong vòng 3 năm qua.

Chắc chắn rằng vị trí này mang lại một số lợi ích cho Fisher, như tăng lương, cơ hội mới và phát triển. Nhưng không phải mọi thứ đều suôn sẻ.

“Tôi học được rằng trở thành một lãnh đạo không hề dễ dàng. Vị trí đó đi kèm với nhiều nhiệm vụ và trách nhiệm. Tôi phải làm việc với rất nhiều người trên khắp nước Mỹ, tham gia vào rất nhiều cuộc họp từ offline đến online”, anh nói.

Fisher là một trong nhiều người nghĩ đến việc rời bỏ vị trí quản lý cấp trung. Theo một cuộc khảo sát gần đây của công ty nghiên cứu và tư vấn Gartner, gần 3/4 nhà quản lý cấp trung cảm thấy bị ngợp trong công việc. Điều này thể hiện rõ hơn ở nhóm quản lý trẻ, ít kinh nghiệm.

Hơn 40% nhà quản lý dưới 2 năm kinh nghiệm đang tìm kiếm việc làm mới, so với 20% nhà quản lý có 10 năm kinh nghiệm trở lên, Work Life đưa tin.

quan ly cap trung,  lo trinh thang tien,  thang chuc,  dao tao quan ly, anh 1

Nhiều quản lý cấp trung dưới 2 năm kinh nghiệm đang tìm kiếm công việc mới. Ảnh minh họa: MART production/Pexels.

quan ly cap trung,  lo trinh thang tien,  thang chuc,  dao tao quan ly, anh 4

Quản lý cấp trung đang kiệt sức. Ảnh minh họa: Anna Tarazevich/Pexels.

Nguyên nhân

Nguyên nhân chủ yếu là do họ không muốn trở thành sếp.

Fisher quan niệm rằng việc một nhân sự được thăng tiến đồng nghĩa cá nhân đó đã có những đóng góp mạnh mẽ cho doanh nghiệp, rồi từ đó trở thành quản lý cấp trung, giám đốc và cuối cùng là ngồi trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao (C-Suite).

Đó là một trong những lý do khiến nhiều nhà tuyển dụng bắt đầu xây dựng hai lộ trình phát triển sự nghiệp khác nhau cho nhân sự: có bao gồm quản lý con người hoặc không bao gồm quản lý con người.

Nhưng ở công ty trước đây của Fisher, anh không có sự lựa chọn. Việc trở thành sếp và phải quản lý con người là lựa chọn duy nhất.

Sự chấp nhận miễn cưỡng đó đã kéo theo việc Fisher không được đào tạo và hướng dẫn chính thức để trở thành quản lý. Đây cũng là vấn đề xảy ra với hầu hết sếp trẻ tuổi. Điều này khiến cho Fisher cảm thấy tự ti.

“Tôi cảm thấy mình không thuộc về vị trí này. Cảm giác tự ti đã đeo đuổi tôi suốt thời gian dài làm việc. Đến cuối cùng, tôi vẫn không thể loại bỏ sự hoài nghi bản thân”, Fisher nói.

Tương tự, Alyse Maguire (Mỹ) cũng đã rời bỏ vai trò quản lý cấp trung tại tờ Business Insider để trở thành một người làm việc tự do toàn thời gian.

“Tôi buộc phải vào vị trí quản lý cấp trung, giống như hầu hết mọi người. Tôi nghĩ nhiều người chỉ kết thúc ở vị trí đó sau vài năm trong sự nghiệp của họ”, Maguire nói.

Theo nghiên cứu gần đây của Capterra, 74% nhân viên hiếm khi hoặc không bao giờ được đào tạo liên tục sau khi họ được giao vai trò quản lý.

Đáng chú ý, các nhà quản lý cấp trung nữ cho biết tỷ lệ không được tiếp cận với chương trình đào tạo cao gần gấp đôi so với các đồng nghiệp nam.

quan ly cap trung,  lo trinh thang tien,  thang chuc,  dao tao quan ly, anh 7

Nhiều quản lý cấp trung đang tìm kiếm con đường phù hợp hơn với họ. Ảnh minh họa: RDNE Stock project/Pexels.

Tìm lối thoát

Khi đối mặt với tình trạng kiệt sức và trách nhiệm tăng lên mà không có kế hoạch rõ ràng cho sự nghiệp, Maguire muốn trở thành một freelancer. Một năm sau đó, cô vẫn chưa chắc về việc liệu có quay trở lại làm quản lý hay không.

Ở một khía cạnh nào đó, cựu quản lý này đánh giá cao việc được tham gia vào các cuộc thảo luận có tầm nhìn lớn và được làm việc với mọi người hàng ngày.

“Nếu tôi quyết định quay lại, đó phải là công việc phù hợp, đội ngũ phù hợp và quỹ đạo tạo dài hạn, rõ ràng. Còn giờ đây, tôi đang dành thời gian cho mình”, cô nói thêm.

Khi bị sa thải vào tháng 11/2023, Fisher biết mình không muốn làm vị trí quản lý cấp trung nữa, hoặc ít nhất là không muốn làm trong tương lai gần.

“Tôi đã thành công khi làm người đóng góp những giá trị cho doanh nghiệp. Tôi tìm kiếm các công việc ở cùng lĩnh vực, với mong muốn vẫn đảm bảo được mức thu nhập như cũ nhưng không phải làm quản lý nữa”, anh nói.

Hiện tại, Fisher vẫn làm việc trong vai trò bán hàng. Anh vẫn có cơ hội dẫn dắt người khác, nhưng không phải là quản lý chính thức. Vị trí này cũng không yêu cầu anh phải đảm nhận trách nhiệm quản lý con người và sự phát triển nghề nghiệp của họ.

Thay vào đó, anh được xem là một người có thể tư vấn, hỗ trợ cho những đồng nghiệp khác. Fisher mô tả đây là một giải pháp trung gian lý tưởng cho anh.

“Có một cuộc khủng hoảng đối với các nhà quản lý cấp trung, nơi bạn phải chịu trách nhiệm từ cấp dưới lên cấp trên. Rất nhiều nhà quản lý cấp trung đã trải qua điều đó”, Fisher nói.


Cùng chuyên mục