Các doanh nghiệp đang sa thải hàng loạt với cùng một lý do “tuyển dụng quá mức”. Ảnh minh họa: RDNE Stock project/Pexels |
Làn sóng sa thải đã diễn ra gần 2 năm. Nhưng đến nay, các công ty vẫn tiếp tục đổ lỗi cho việc “tuyển dụng quá mức” trong thời gian đại dịch. Điều này làm người lao động càng thêm lo lắng, theo Forbes.
Một báo cáo mới từ trang web việc làm Glassdoor cho thấy tỷ lệ đánh giá của người dùng liên quan đến vấn đề tuyển dụng quá mức đã tăng 24% kể từ tháng 3/2023 và tăng hơn 3 lần kể từ năm 2022.
“Thuật ngữ ‘tuyển dụng quá mức’ đến từ các nhà tuyển dụng, nhằm mô tả lý do sa thải nhân viên. Nhân viên ngày càng hiểu và nhận thức rõ về cụm từ này”, Daniel Zhao, nhà kinh tế hàng đầu tại Glassdoor, cho biết.
Mất niềm tin
Lấy lý do “tuyển dụng quá mức” để sa thải đã khiến niềm tin của nhân viên giảm sút trong nhiều năm qua.
“Khi các công ty sa thải nhân viên và đổ lỗi cho việc tuyển dụng quá nhiều, những người ở lại có thể cảm thấy chán nản và đặt câu hỏi về các quyết định của ban quản lý, đặc biệt nếu số lượng công việc không giảm”, Peter Cappelli, giáo sư tại trường Wharton của Đại học Pennsylvania (Mỹ), cho biết.
Giáo sư khẳng định khi người lao động mất lòng tin với doanh nghiệp, họ rơi vào cảnh bất an, năng suất ắt suy giảm. Nhân viên cũng đặt câu hỏi về quá trình tuyển dụng và quản lý nhân sự của công ty khi để xảy ra tình trạng “tuyển dụng quá mức”. Theo đó, người lao động sẽ cân nhắc “nhảy việc”.
Nhân viên mất niềm tin khi doanh nghiệp luôn dùng lý do “tuyển dụng quá mức”. Ảnh minh họa: Anna Shvets/Pexels. |
Lý do phổ biến
“Thật lạ lùng khi mọi người lại chọn nói ‘tuyển dụng quá mức’ thay vì nói lý do ‘tình hình kinh doanh đang giảm sút’. Có lẽ họ đang muốn trấn an những nhà đầu tư”, ông Cappelli nhận định.
“Tuyển dụng quá mức” là lý do thường xuyên được các công ty đưa ra khi tuyên bố sa thải trong những năm gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Glassdoor cho biết sau 2 năm tăng trưởng số lượng nhân viên 10%, ngành công nghệ đã phải giảm 2% vào năm 2023.
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, khoảng 1,6 triệu người đã mất việc trong tháng 1, không thay đổi nhiều so với tháng trước đó.
Ví dụ, nền tảng Discord thông báo sẽ sa thải 17% nhân viên vào tháng 1 vừa qua, đổ lỗi việc cắt giảm là do tăng trưởng quá nhanh chóng và mở rộng lực lượng lao động quá vội vàng.
Trong đợt cắt giảm vào tháng 1 đối với các công ty con của Amazon, Dan Clancy, Giám đốc điều hành Twitch, cho rằng quy mô của tổ chức đang lớn hơn so với nhu cầu hoạt động thực tế của công ty. Đó là lý do khiến họ cần có các biện pháp điều chỉnh nhân sự.
Doanh nghiệp cho rằng “tuyển dụng quá mức” là một lý do dễ hiểu, dễ chấp nhận đối với nhân sự. Ảnh minh họa: RDNE Stock project/Pexels. |
Một phân tích của Washington Post cho thấy 50% trong số 48 thông báo sa thải mà họ nhận được đã dùng lý do “tuyển dụng quá mức” hoặc “lực lượng nhân sự phát triển quá nhanh”…
“Trước thời kỳ bùng nổ việc làm như trong đại dịch, cụm từ ‘tuyển dụng quá mức’ hiếm khi được đề cập trong các thông báo sa thải công ty”, Wayne Cascio, giáo sư quản lý tại Đại học Colorado (Mỹ), cho biết.
Vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, việc cắt giảm quy mô thường chỉ được công bố bởi các công ty đang gặp khó khăn về tài chính, báo cáo lỗ ròng trong thời gian vài năm.
“Giờ đây, khi các công ty đang phải giảm chi phí và nhanh chóng rút gọn số lượng nhân viên, lời biện minh ‘công ty đã tuyển dụng quá mức, chúng tôi phải sa thải nhân viên’ đã được chấp nhận nhiều hơn”, giáo sư Cascio nói.