Bernard Arnault xếp thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Ảnh: Forbes. |
Ngày 26/9, tỷ phú Bernard Arnault, chủ sở hữu tập đoàn hàng hoá xa xỉ LVMH, chính thức nhập hội 200 tỷ USD với khối tài sản ròng tăng 17 tỷ USD, chạm mốc 201 tỷ USD.
Trong cùng ngày, cổ phiếu của LVMH cũng tăng 9,9%. Các biện pháp kích thích nền kinh tế của Trung Quốc được kỳ vọng góp phần hồi phục thị trường hàng xa xỉ tại quốc gia này, theo Business of Fashion.
Tài sản của tỷ phú Bernard Arnault gia tăng sau khi Trung Quốc công bố các biện pháp kích thích nền kinh tế. Ảnh: Bloomberg. |
Chính sách kích cầu mới của Trung Quốc
Khi Trung Quốc tăng cường các biện pháp kích cầu, thị trường hàng hóa xa xỉ cũng “thơm lây”. Các chính sách mới “bật đèn xanh” cho LVMH và nhiều tập đoàn hàng hiệu khác.
Nhờ biện pháp kích thích nền kinh tế từ thị trường lớn thứ 2 thế giới, giá trị tài sản ròng của ông trùm hàng hiệu người Pháp bắt đầu tăng trưởng trở lại.
Theo Chỉ số tỷ phú Bloomberg, 17 tỷ USD là mức tăng tổng giá trị tài sản trong ngày lớn thứ 3 của Bernard Arnault từ trước đến nay. Hơn nữa, cổ phiếu LVMH tăng 9,9% cùng ngày cũng là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy những dấu hiệu khả quan từ thị trường xa xỉ.
Bernard Arnault (75 tuổi) xếp ở vị trí thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Khối tài sản của ông gắn liền với 48% cổ phần tại tập đoàn LVMH.
Cổ phiếu của tập đoàn hàng hiệu lớn nhất thế giới đã giảm 7,5% từ đầu năm do thị trường mua sắm ảm đạm tại Trung Quốc. Quyết định thắt chặt chi tiêu do kinh tế suy thoái của khách hàng ở quốc gia tỷ dân ảnh hưởng lớn đến doanh số của LVMH.
Tuy nhiên, các biện pháp kích cầu được Trung Quốc công bố phần nào cho thấy nỗ lực hồi phục nền kinh tế u ám. Các phương án hỗ trợ tài chính chi tiêu hay ổn định thị trường bất động sản được kỳ vọng là tạo ra tương lai tươi sáng hơn cho tiêu dùng của quốc gia này.
Arnault không phải là tỷ phú duy nhất hưởng lợi từ gói kích cầu của Trung Quốc. Giá trị tài sản ròng của Colin Huang, nhà sáng lập PDD Holdings Inc., tăng thêm 5 tỷ USD vào ngày 26/9 sau khi thông tin này được đưa ra.
Cổ phiếu của công ty thương mại điện tử do ông sáng lập tăng vọt 14% cùng ngày. Trước đó, Colin Huang vừa mất vị trí người giàu nhất Trung Quốc khi doanh nghiệp của ông ghi nhận tình hình kinh doanh ảm đạm.
Người Trung Quốc cắt giảm chi tiêu, hạn chế mua sắm hàng hiệu. Ảnh minh hoạ: WSJ. |
Bức tranh tiêu dùng u ám tại Trung Quốc
Giới chuyên gia kinh tế nhận định sự suy yếu của lĩnh vực bất động sản, từng đóng góp tới 30% hoạt động kinh tế, là nguyên nhân gốc rễ của nhiều vấn đề kinh tế Trung Quốc hiện nay. Bắt đầu hạ nhiệt từ năm 2019, thị trường này rơi vào khủng hoảng khoảng hai năm sau đó, khi chính phủ thắt chặt hoạt động vay nợ của các nhà phát triển.
Hậu quả là giá nhà hiện có đã giảm gần 30% so với năm 2021, khiến các cá nhân và doanh nghiệp phải bán tài sản, cắt giảm chi tiêu và đầu tư để bảo toàn vốn.
Theo ước tính của Barclays, các hộ gia đình Trung Quốc đã mất khoảng 18 nghìn tỷ USD do sự suy thoái của thị trường nhà ở. Con số khổng lồ này tương đương với việc mỗi hộ gia đình 3 người mất khoảng 60.000 USD, gần gấp 5 lần GDP bình quân đầu người của quốc gia này.
Nền kinh tế khó khăn khiến người tiêu dùng Trung Quốc thắt chặt hầu bao, xuống tiền mua những bản sao chất lượng cao với giá “mềm” hơn, thay vì hàng hiệu xa xỉ.
Thị trường châu Á đóng góp 38% doanh số của LVMH trong năm 2023. Trung Quốc chiếm một phần lớn trong số đó.
Do đó, “nhất cử nhất động” của thị trường tiêu dùng ở quốc gia này ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động kinh doanh của tập đoàn hàng hoá xa xỉ và khối tài sản của ông trùm Bernard Arnault.