Theo Thanh, một tín đồ du lịch Thái Lan, giá vé khứ hồi chặng TP.HCM đến Bangkok mà cô thường xuyên đi chỉ khoảng 3 triệu đồng khứ hồi. Hiện tại, giá vé cho dịp lễ đã lên đến 6,5 triệu đồng khứ hồi.
“Bangkok lúc đó đã qua ngày lễ Songkran nên chúng tôi dự đoán không quá đông đúc. Tuy nhiên, vé máy bay quá cao khiến nhiều thành viên trong team nhụt chí”, Thanh chia sẻ. Chỉ còn 2 trên 8 thành viên trong nhóm muốn tiếp tục kế hoạch, trong đó không có Hà Thanh.
Ngày 12/4, Thủ tướng Chính phủ chính thức thông qua lịch nghỉ lễ 5 ngày trong dịp 30/4-1/5. Nhiều người trẻ dự định đi du lịch xa để tận hưởng kỳ nghỉ dài, tuy nhiên không thể hiện thực hóa kế hoạch này do giá vé máy bay đắt đỏ, khiến chi phí đi chơi xa đội lên cao.
Để tiết kiệm tiền, một số thay đổi kế hoạch, quyết định du lịch gần để tiện di chuyển bằng ôtô, cắt giảm khoản chi cho máy bay. Trong khi đó, nhiều người lại chọn phương án ở nhà hoặc về quê thăm gia đình trong 5 ngày lễ.
Vé máy bay đắt đỏ dịp lễ là lý do khiến nhiều người từ bỏ ý định đi du lịch. Ảnh minh họa: Phương Lâm |
‘Quay xe’ vì vé máy bay ngất ngưởng
Theo khảo sát của Tri Thức – ZNews, giá vé giai đoạn lễ 30/4 đang ở mức cao và có xu hướng tăng từng ngày. So với thời điểm một tháng trước lễ, giá vé dịp lễ ở các chặng đắt hơn từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng. Trên một số chặng, giá vé có thể chênh lệch 1,5-2 triệu đồng giữa 2 thời điểm.
Dù bay nội địa hay bay đến các nước trong khu vực, hành khách đều phải trả mức giá vé đắt đỏ 3-7 triệu đồng khứ hồi.
“Các dịp nghỉ lễ là thời điểm hãng bay tranh thủ kinh doanh để bù lại chi phí mùa thấp điểm nên rất khó để có vé rẻ. Giai đoạn này nhu cầu đi lại cao, các chuyến bay được lấp đầy cả 2 chiều”, một lãnh đạo hãng hàng không chia sẻ với Tri Thức – ZNews.
Lan Trang (25 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) nằm trong số những dân văn phòng “quay xe” khi thấy giá vé tăng cao.
Ban đầu, khi nhận quyết định nghỉ lễ 30/4-1/5 dài 5 ngày, Lan Trang dự định du lịch Đà Lạt (Lâm Đồng) một mình. Nhưng thấy giá vé khứ hồi lên đến 5,5 triệu đồng, cô đành từ bỏ chuyến đi “chữa lành”.
Nữ nhân viên văn phòng quyết định chuyển điểm đến, chọn Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) với hy vọng giá vé rẻ hơn. Sau khi tận dụng tất cả chương trình ưu đãi và chọn giờ bay thấp điểm, giá vé khứ hồi vẫn là 4 triệu đồng/người. Như vậy, tổng ngân sách du lịch sẽ bị đội lên đến khoảng 10 triệu đồng, quá nửa tháng lương của nhân viên văn phòng này..
Nhật Hạ dự định đi Nha Trang cùng hội bạn thân nhưng cuối cùng phải thay đổi kế hoạch. |
Tưởng rằng dịp lễ năm nay chỉ được nghỉ 2 ngày, Nhật Hạ (27 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) dự định xin nghỉ phép thêm ngày 29/4 để thoải mái đi du lịch.
Khi công ty thông báo lịch nghỉ kéo dài 5 ngày, cô mừng thầm, lập tức nhắn tin vào nhóm chat với hội bạn thân, quyết định lên kế hoạch đi chơi xa.
Nhóm của cô có một thành viên sinh sống ở Australia, đang trong chuyến thăm nhà 3 tuần. Tất cả đều muốn tranh thủ thực hiện chuyến du lịch trong dịp này, lưu giữ kỷ niệm với nhau.
Tuy nhiên, khi một người bạn kiểm tra giá vé và thông báo phí di chuyển máy bay 2 chiều đi Nha Trang (Khánh Hòa) dịp này là 5 triệu đồng/người, Hạ và một số người khác tỏ ra ái ngại.
“Tôi không ngờ vé máy bay đắt như thế. Tôi chỉ định dành ra khoảng 5-6 triệu đồng cho chuyến đi này, song chi phí đi lại đã ngốn hết khoản này”, Nhật Hạ nói. Nhận thấy một số thành viên lo lắng, mất dần sự háo hức, nhóm bạn của Hạ quyết định huỷ chuyến du lịch Nha Trang vào dịp lễ.
Tìm phương án thay thế
Không thể thực hiện chuyến đi chơi xa như dự định, hội bạn của Nhật Hạ quyết định đến Hạ Long (Quảng Ninh) để nghỉ dưỡng. Đây là phương án hợp lý, giúp cắt giảm khoản chi cao nhất liên quan đến di chuyển.
Quãng đường từ Hà Nội đi Hạ Long chỉ dài khoảng 170 km, phù hợp để di chuyển bằng ôtô. Mỗi người chỉ tốn khoảng 400.000-500.000 đồng/vé khứ hồi bằng xe limousine, ít hơn 10 lần so với tiền vé máy bay đi Khánh Hòa.
Ngân sách cho chuyến đi chơi cũng giảm theo, chỉ còn khoảng 3 triệu đồng/người. Con số này khiến Nhật Hạ yên tâm, không còn lo lắng “vung tay quá trán” trong 5 ngày nghỉ lễ.
Hà Thanh quyết định dành toàn bộ 5 ngày lễ để nghỉ ngơi. |
“Nếu đi Nha Trang, tôi phải tiết kiệm từ bây giờ, không dám mua sắm, ăn hàng nhiều trước và sau chuyến du lịch”, Hạ nói.
Theo cô, dù đi du lịch gần, cả nhóm vẫn có thời gian vui chơi bên nhau, tạo ra những khoảnh khắc khó quên, kỷ niệm 10 năm tình bạn.
Tương tự, Lan Trang cũng phải chọn phương án tận hưởng 5 ngày lễ khác khi không thể đi du lịch xa. Cô quyết định về quê Nam Định thăm bố mẹ, dành thời gian bên gia đình, người thân.
Cô cho rằng đi chơi xa không phải phương pháp chữa lành duy nhất. Về thăm bố mẹ, cô vẫn có thể tắt điện thoại, tạm thời gác lại nỗi lo toan công việc. Trong kỳ nghỉ lễ dài ngày này, Trang cũng có dịp tụ tập với những người bạn cũ lâu ngày không gặp.
“Về quê, tôi vừa tiết kiệm được một khoản đáng kể, vừa thoát khỏi khói bụi thành phố”, Lan Trang nói.
Trong khi đó, Hà Thanh quyết định dành hoàn toàn 5 ngày nghỉ để xả hơi tại Hà Nội, không du lịch cũng không về quê. Cô cho biết mình sẽ tận dụng ngày nghỉ lễ để thư giãn tại nhà, chăm sóc thú cưng hoặc có những buổi gặp gỡ, ăn uống đơn giản cùng bạn bè.
“Tôi nghĩ mình đã tiết kiệm được hơn 15 triệu đồng khi từ bỏ chuyến đi Thái Lan”, Thanh nói.