YouTuber Việt gây tranh cãi khi hẹn hò người lạ ở Nhật Bản

Hai video ghi lại cảnh đi chơi với người đàn ông lạ khi du lịch một mình của YouTuber Thạch Trang nhận ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng cô đang “lãng mạn hóa” mối nguy hiểm.

Hai vlog về chuyến đi Nhật Bản của Thạch Trang (1998) gây tranh luận về sự an toàn khi du lịch một mình. Ảnh: Thạch Trang.

Qua các video, cô gái 26 tuổi kể về hành trình khám phá thành phố Osaka (Nhật Bản) hồi đầu tháng 6, với bạn đồng hành là một nam bartender mà cô vô tình gặp tại quán bar. Trong chuyến đi kéo dài một tuần, hai người cùng nhau thực hiện nhiều hoạt động du lịch địa phương, từ khám phá ẩm thực đến mua sắm, vui chơi giải trí.

Tuy nhiên, điều thu hút sự chú ý là những cử chỉ thân mật của Thạch Trang và người đàn ông Nhật Bản. Thậm chí, YouTuber này đồng ý ghé thăm nhà của đối phương vào buổi tối.

Các video này đã tạo nên cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng đây là một trải nghiệm du lịch một mình thú vị, để lại kỷ niệm đáng nhớ. Hơn nữa, dưới góc máy quay của YouTuber, cuộc gặp gỡ giữa cô và người lạ khá lãng mạn, khiến người xem rung động.

Nhưng song song với đó, một số ý kiến bày tỏ sự lo lắng cho quyết định đi chơi với người lạ ở quốc gia khác của nhà sáng tạo nội dung này. Họ cho rằng YouTuber trên tạo ra một ví dụ nguy hiểm cho những người theo dõi mong muốn thực hiện chuyến du lịch một mình, bởi không phải ai cũng đủ may mắn để “gặp được một người tốt bụng và có câu chuyện đẹp mang về”.

Thach Trang,  Thach Trang nguoi la,  Thach Trang Nhat Ban,  phot Thach Trang,  Thach Trang la ai,  du lich Nhat Ban anh 1

YouTuber thể hiện nhiều cử chỉ thân mật với người lạ trong vlog du lịch. Ảnh: Thạch Trang.

Theo báo cáo “Vietnam Travel Market Tracker” (Theo dõi thị trường du lịch Việt Nam) quý II/2023 của The Outbox Company, có tới hơn 83% du khách Việt Nam lựa chọn đi tự túc (không thông qua đơn vị lữ hành). Trong đó, xu hướng du lịch một mình (solo travel) cũng lên tới 26%, gấp đôi tỷ lệ hồi quý I cùng năm.

Trước đó, theo số liệu năm 2019 của The Outbox Company, trong số khách du lịch một mình ở Việt Nam, 60% là phụ nữ. Họ ưu tiên trải nghiệm và kết bạn.

Cân nhắc khi kết bạn với người lạ

Từng đi du lịch một mình tại các tỉnh thành trong nước như Sapa, Phan Thiết, Nha Trang và một số quốc gia khác như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ Trinh (27 tuổi, TP.HCM) thoải mái giao tiếp, làm quen người dân địa phương để tìm hiểu văn hoá khu vực.

Tuy nhiên, cô không ủng hộ việc kết thân với người lạ trong những chuyến đi một mình, cho rằng nhiều rủi ro có thể xảy ra khi bản thân mất cảnh giác.

Làm việc trong môi trường hybrid (kết hợp làm việc tại văn phòng và từ xa), Mỹ Trinh thường xuyên thực hiện các chuyến du lịch một mình. Nguyên nhân dẫn đến quyết định này của cô là khó sắp xếp lịch trình với bạn bè, quyền tự chọn nơi ăn chốn ở và khả năng dành toàn bộ thời gian cho bản thân.

Sau hàng chục chuyến solo travel, Trinh nhận thấy khó khăn của việc xách balo lên và đi một mình là chi phí cao do không thể chia sẻ. Ngoài ra, cô cũng phải xoay xở để giải quyết sự cố một mình, không nhận được sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè.

Về việc gặp gỡ và kết thân với người lạ tại một đất nước khác, Mỹ Trinh nhận thấy nhiều rủi ro. Cô cảm thấy thiếu tin tưởng, không an tâm khi đi chơi, ăn uống, về nhà một người không rõ lai lịch, mới gặp gỡ vài lần.

“Khi đi du lịch một mình, nguy cơ bị tấn công, cướp giật đều gia tăng. Khả năng chống trả của một cá nhân tất yếu thấp hơn một hội nhóm”, Trinh cho biết.

Cũng từng thực hiện chuyến du lịch một mình đến Malaysia và các điểm đến trong nước như Huế, Đà Nẵng, Hội An, Đà Lạt, Tường Vi (24 tuổi, TP.HCM) cho rằng đây là trải nghiệm thú vị của tuổi trẻ.

Tuy nhiên, cô cũng đồng tình với Mỹ Trinh, thừa nhận solo travel có nhiều khó khăn, bất tiện. Đặc biệt, khi đặt chân đến một quốc gia khác, Tường Vi gặp khó trong việc giao tiếp, tự xây dựng lịch trình, di chuyển và quay chụp những khoảnh khắc đáng nhớ.

Vi chưa từng nghĩ đến việc tìm kiếm người lạ dẫn đi tham quan. Song, trong chuyến du lịch đến Huế, cô vô tình gặp một cô gái cũng đi du lịch một mình trên tàu. Sau khi trò chuyện, cả 2 quyết định đồng hành trong thời gian ở Huế.

“Về sự việc của YouTuber Thạch Trang, tôi không phản đối, cũng không ủng hộ. Tôi không kêu gọi hay cổ xuý cho hành động này. Đây là quyết định riêng của mỗi người”, Tường Vi nói.

Trang bị gì cho chuyến du lịch một mình?

Với kinh nghiệm thực hiện nhiều chuyến du lịch một mình, Tường Vi cho rằng nên trau dồi kiến thức, kỹ năng cho bản thân, đồng thời đón nhận sự giúp đỡ từ người khác.

Trong khi đó, Mỹ Trinh lại không ủng hộ việc phụ thuộc vào người khác, đặc biệt là người lạ trong những chuyến solo travel. Cô luôn ưu tiên tự trang bị các kỹ năng cần thiết, quan niệm “cẩn tắc vô áy náy”.

Theo Mỹ Trinh, những người đi du lịch một mình cần tìm hiểu điểm đến một cách kỹ lưỡng, xây dựng lịch trình cụ thể. Đồng thời, việc thông báo với người thân, bạn bè những địa chỉ trong chuyến đi cũng đặc biệt cần thiết.

Cô cũng giữ thói quen liên tục chia sẻ vị trí, hình ảnh với một người thân cận nhất khi đặt chân đến một quốc gia, tỉnh thành khác. Ngoài ra, Trinh cũng lưu số điện thoại khẩn cấp của chính quyền địa phương để liên hệ khi cần.

Để ý hành lý, tư trang cá nhân, giấy tờ tùy thân là điều Mỹ Trinh luôn ghi nhớ. Cô cũng cảnh giác với người lạ, không tin tưởng những người gặp lần đầu.

“Nguyên tắc của tôi là giữ khoảng cách an toàn và hạn chế chia sẻ thông tin riêng tư với những người xa lạ trong chuyến đi”, Trinh nói.

Theo Forbes, những người lần đầu đi du lịch một mình cần ghi nhớ một số nguyên tắc để đảm bảo chuyến đi thuận lợi, không tạo ra những tình huống nguy hiểm.

  • Tìm hiểu về điểm đến: Du khách solo có thể nghiên cứu trước đánh giá, bình luận của khách du lịch trước, đặt chỗ tại nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi.
  • Chia sẻ kế hoạch với bạn bè, gia đình: Thao tác này giúp người thân của khách du lịch một mình cập nhật tình hình, nhanh chóng can thiệp nếu sự cố xảy ra.
  • Lưu trữ 2 bản của giấy tờ tùy thân: Đây là phương án bảo vệ du khách khỏi sự hoảng loạn khi đánh mất giấy tờ cá nhân, dẫn đến những tình huống không mong muốn như không thể xuất/nhập cảnh, kéo dài lịch trình hơn dự kiến, tốn thời gian chờ cấp lại giấy tờ.
  • Không mang theo đồ đạc có giá trị cao: Việc mang theo những món đồ có giá trị cao gia tăng sự nguy hiểm cho người đi du lịch một mình, khiến du khách nằm trong tầm ngắm của các đối tượng có ý đồ xấu.
  • KOS là gì ‘ăn đứt’ KOL, KOC?

    Các thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton hay Gucci cho thấy sự ưa chuộng với hình thức bán hàng qua livestream và tiếp thị nhờ KOS (Key Opinion Sales) tại Trung Quốc.

  • Nhiều VĐV thành sao mạng chỉ sau một mùa Olympic

    Liên tục đăng tải những khoảnh khắc tại Làng Olympic lên mạng xã hội, các VĐV Sunisa Lee (thể dục dụng cụ), Tom Daley (bơi lội) hay Coco Gauff (tennis) trở thành “ngôi sao TikTok”.


Cùng chuyên mục