Trào lưu bán “việc” và “sếp” thể hiện thái độ phản đối của người trẻ Trung Quốc với văn hoá làm việc áp lực, căng thẳng. Ảnh minh hoạ: Anthony Shkraba Production/Pexels. |
Một trào lưu bất ngờ trở nên thịnh hành đối với giới trẻ Trung Quốc. Những nhân sự trẻ “bán” công việc, sếp hoặc đồng nghiệp của mình ở trên các sàn thương mại điện tử với mục đích loại bỏ “mùi công việc”.
Thuật ngữ mới “mùi công việc” ám chỉ cảm giác kiệt quệ về cả thể chất và tinh thần sau một ngày làm việc dài. Đó là mùi tàu điện ngầm, mùi khói thuốc lá còn sót lại hoặc mùi ly Americano đá vẫn vương trên quần áo.
Trên Xianyu, nền tảng mua sắm trực tuyến cũ thuộc tập đoàn Alibaba, nhiều người bất ngờ “bán” công việc và đồng nghiệp như một cách giảm bớt áp lực, căng thẳng, theo SCMP.
Nhân sự trẻ Trung Quốc rao bán “công việc” và “sếp” trên sàn TMĐT để trút giận. Ảnh minh hoạ: Pexels/Artem Podrez. |
Không có giao dịch thật
Tại Xianyu, hơn 500 bài đăng bán “công việc khó chịu”, “sếp tồi” và “đồng nghiệp đáng ghét” với mức giá từ 30-11.000 USD được ghi nhận.
Một người dùng bán công việc của mình với giá 1.100 USD. “Tôi không muốn thức dậy sớm nữa. Công việc này đem lại thu nhập 400 USD/tháng. Vì vậy, bạn có thể thu hồi vốn sau chỉ 3 tháng”, cô tự quảng cáo.
“Bán một đồng nghiệp thích châm biếm với giá 550 USD. Tôi có thể dạy bạn cách đối phó với anh ta và đưa ra 10 bí quyết tránh trở thành tâm điểm của sự chú ý tại văn phòng”, một người dùng khác mô tả về “mặt hàng” của mình.
Trong khi đó, một người dùng lại rao bán “sếp tồi tệ”, khẳng định rằng sự xung đột tích cách giữa đôi bên khiến lãnh đạo thường xuyên chỉ trích nhân viên, gây ra tình trạng căng thẳng.
Một người dùng ở Bắc Kinh còn đăng tải bài viết rao bán dự án cần hoàn thiện vào đêm hôm đó với giá 1,4 USD.
Những người bán này đều đảm bảo rằng tất cả giao dịch đều không được tiến hành. Nếu người mua nhấn nút “đặt hàng”, họ sẽ lập tức huỷ đơn, từ chối mong muốn sở hữu “sản phẩm”.
“Một khách hàng thực sự trả tiền, nhưng tôi đã nộp đơn xin hoàn tiền cho họ lên sàn thương mại điện tử. Đây chỉ là cách tôi giải toả cảm xúc, không thực sự giao dịch mua bán”, một người bán ẩn danh chia sẻ.
“Tôi thấy nhiều người bán công việc của họ trên Xianyu nên muốn thử. Hành động rao bán công việc không có ngày cuối tuần này là nỗ lực trút giận của tôi”, người bán này chia sẻ thêm.
Hành vi công khai thông tin cá nhân của người khác mà không có sự cho phép được xem là xâm phạm quyền riêng tư. Ảnh minh hoạ: Pexels/Karolina Kaboompics. |
Mối nguy từ trào lưu ‘vô thưởng vô phạt’
Sau khi trào lưu này trở nên thịnh hành, nền tảng Xianyu chính thức tuyên bố trên Weibo vào ngày 11/6 rằng việc buôn bán người là bất hợp pháp.
Theo Liu Yan, luật sư của Công ty luật Hunan United Pioneer, nếu thông tin cá nhân của một người, bao gồm số CCCD, địa chỉ nhà và số điện thoại, bị công khai trên các nền tảng trực tuyến mà không có sự cho phép, hành vi này sẽ bị xem là xâm phạm quyền riêng tư.
Tại Trung Quốc, những cá nhân tiết lộ thông tin riêng tư của người khác có khả năng bị phạt tiền hoặc giam giữ 10 ngày.
Trào lưu “bán” công việc hoặc đồng nghiệp là một phần của phong trào phản đối làm việc quá sức tại Trung Quốc. Những người trẻ ở quốc gia này không muốn theo đuổi văn hoá làm việc căng thẳng, đối mặt với tình trạng kiệt sức thường xuyên.
Nhân sự trẻ mong muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống, bảo vệ sức khoẻ thể chất và tinh thần, xây dựng lối sống lành mạnh.
Trong khi một số tỏ ra thích thú với trào lưu này, cho rằng đây là phương pháp giải toả áp lực tốt, nhiều người lại bày tỏ sự lo ngại rằng xu hướng trên có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc.