Tổ hợp công nghiệp đám cưới dường như đã vượt ra khỏi buồng chụp ảnh, sàn nhảy “chữ lồng” hay nghi thức tung chim bồ câu. Giờ đây, các cặp đôi muốn Optimus Prime (robot trong phim Transformers – PV) “fake” đến dự đám cưới của mình.
Khi câu nói “Hãy vẫy tay chào đón robot tiệc tùng” vang lên trong một đám cưới ở thành phố Long Island (Mỹ), một cỗ máy hình người cao hơn 2,4 m thình lình bước vào phòng tiệc ngập tràn ánh nến, tay vung nắm đấm kim loại theo điệu nhạc điện tử dồn dập. Hai bên robot là những người phục vụ mang theo pháo hoa và khay đồ tráng miệng.
Trong khi chú rể Sean truyền cho khách mời chai rượu Tito’s, cô dâu Megan cười rạng rỡ, khiêu vũ dưới ánh đèn nhấp nháy được tích hợp trên robot tiệc tùng. Lúc xoay cô dâu để chiếc váy cưới xòe phồng, robot giống như người cha tự hào chứng kiến con gái hạnh phúc trong ngày trọng đại.
“Sâu trong lồng ngực thép ấy như thể là trái tim người đập rộn ràng”, The Washington Post viết.
Robot tiệc tùng (party robot) được lập trình để “xử đẹp” sàn nhảy. Với mức phí 500-1.200 USD/giờ, cơ thể khổng lồ của nó luôn tràn đầy năng lượng để nhảy múa không ngừng nghỉ, giúp yến tiệc mang phong cách hộp đêm Las Vegas hay viễn cảnh hiện đại – khi robot trở thành người bạn kề vai sát cánh, thích tiệc tùng 24/24.
Sheri O’Brian, giám đốc sáng tạo của Extraordinary Arts – một nhà cung cấp robot ở Massachusetts, cho biết: “Không ai muốn trở thành người mở màn trên sàn nhảy”. Vì thế, sự xuất hiện của robot tiệc tùng khiến mọi người thoải mái hơn. Nó thậm chí có thể phun ra sương mù mát lạnh.
Adrian Zerla là người sở hữu 5 robot tiệc tùng, một trong số đó đang “quẩy hết mình” tại đám cưới ở thành phố Long Island. Năm ngoái, robot của Zerla tham gia hơn 200 sự kiện – từ sinh nhật cho đến tiệc tiết lộ giới tính em bé. Hầu hết khách hàng muốn robot màu hồng hoặc xanh lam.
“Chúng tôi khởi đầu với thị trường thanh thiếu niên, nhưng tệp khách hàng này chỉ chiếm 40%. Phần lớn các sự kiện chúng tôi thực hiện ngày nay là tiệc cưới”, Zerla cho biết.
Không có gì thú vị hơn bằng việc nói “Till death do us part” (Cho đến khi cái chết chia lìa đôi ta) khi robot khổng lồ chĩa vũ khí vào những người thân yêu của bạn trong đám cưới.
Tuy nhiên, robot tiệc tùng không phải sản phẩm được lập trình, mà là người mặc trang phục robot. Tại đám cưới của Megan và Sean, một người tên Ronald Arevalo (26 tuổi) đã hóa thân xuất sắc thành robot tiệc tùng để nhảy múa cùng mọi người dù hai bên không hề biết nhau.
Người điều khiển Arevalo là chị gái Brenda Lopez (27 tuổi). Tại mỗi sự kiện, cô sẽ buộc bàn chân, bắp chân Arevalo vào cà kheo, đồng thời nối dây điện với bộ pin rồi buộc vào thắt lưng anh. Những chiếc chân kêu cót két như bản lề cửa, nhưng sẽ không ai trong bữa tiệc nghe thấy nhờ âm nhạc sôi động.
Arevalo thích nhạc techno (một loại nhạc dance điện tử – PV) để nhảy theo như robot thật. Ngược lại, nhạc quá chậm sẽ khó thu hút mọi người đổ xô lên sân khấu nhảy cùng. “Đôi khi, bạn nhảy nhưng mọi người đã rời đi để yên vị ở bàn tiệc. Vậy là bạn đang nhảy một mình và không biết phải làm gì khác”, Arevalo chia sẻ.
Năm ngoái, tại đám cưới của chính mình, Arevalo đã cân nhắc việc thuê hoặc trở thành robot tiệc tùng. Anh thậm chí mang theo bộ trang phục đó. Dẫu vậy, vợ Arevalo phản đối vì sợ rằng mọi người không hào hứng nhảy múa cùng nhau.
Theo tìm hiểu của The Washington Post, Arevalo từng làm việc trong ngành xây dựng và có thể đi lại thuần thục trên cà kheo hỗ trợ thi công trần thạch cao. Điều quan trọng hơn cả là Arevalo thực sự nhảy múa rất giỏi. Hai kỹ năng tưởng chừng tách biệt lại được tận dụng triệt để trong công việc thứ hai của Averalo, biến anh trở thành robot tiệc tùng cừ khôi.
“Mọi người gọi điện cho tôi và bày tỏ rằng họ đã nghĩ đó là robot thật. Sau đó, chúng tôi phải giải thích đây chỉ là người mặc trang phục robot”, Zerla, sếp của Arevalo, chia sẻ.
Những bộ đồ robot tiệc tùng thường được chế tác ở nước ngoài, có giá 4.500-8.000 USD. Công ty Trung Quốc Guangdong Ledmundo Photoelectric Limited bán chúng với giá thấp hơn một chút, 4.000-4.500 USD.
Robot tiệc tùng không phải công việc dễ dàng. Theo Shawn Vandine, chủ sở hữu Big City Events, khó khăn ban đầu là “diễn viên” chỉ có thể đóng vai robot trong 45-60 phút để tránh bị chuột rút. Ngoài ra, họ cũng uống Pedialyte (nhóm chất điện giải Dextrose – PV) giúp ngăn ngừa co thắt cơ.
Robot tiệc tùng đôi khi bị ngã, ảnh hưởng đến cả người bên trong. Do đó, phần lớn công ty cung cấp dịch vụ này đều bố trí trợ lý/vệ sĩ để bảo vệ robot khỏi nguy hiểm, ví dụ như đồ uống bị đổ hay phù dâu tung hoa cưới qua sàn nhảy.
Mối nguy hiểm khác dễ nhận diện hơn là những người say rượu. Họ phấn khích quá mức đến nỗi cố đẩy hoặc chiến đấu với robot – như thể nó đến từ tương lai và có nhiệm vụ ám sát chú rể.
Sau đó là đến những kẻ mò mẫm. “Rất nhiều người đến gần robot và người bên trong cảm thấy đang bị sờ mông”, Zerla nói.
Bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra, Arevalo vẫn cảm thấy đây là công việc ý nghĩa. Anh nhớ rằng cô dâu Megan, chú rể Sean và toàn bộ khách quý đã hò reo phấn khích thế nào khi mình tiến về sàn nhảy, chạm hai nắm đấm vào nhau để chào hỏi theo kiểu đàn ông Mỹ.
The Washington Post mô tả Megan trông giống diễn viên Reese Witherspoon thời trẻ, với mái tóc dài màu vàng và váy cưới in hoa lấp lánh như công chúa. Sean thì bảnh bao trong bộ tuxedo trắng cùng mái tóc nhạt màu gọn gàng. Tất cả đã sẵn sàng dự tiệc.
“Chúng gặp nhau tại một lễ hội âm nhạc”, ông Colin Hill, cha của Megan, cho biết. Vì thế, sự xuất hiện của robot tiệc tùng trong ngày trọng đại của cả hai càng thêm hợp lý, thậm chí có phần lãng mạn.
Giờ phút này, mọi người đều không màng chuyện ăn uống mà chỉ tập trung nhảy múa tưng bừng cùng robot tiệc tùng.
Bắp chân của Arevalo bắt đầu đau nhức. Trong năm phút nữa, anh sẽ cởi bỏ bộ đồ robot khổng lồ, trở lại con người thật và xoa bóp chân. Nhưng hiện tại, anh biết mình cần tiếp tục làm gì vì DJ đã nói: “Hãy cụng tay cùng robot thêm một lần nữa!”.