Sự thô tục, kệch cỡm và thảm họa của phim ‘Ôi ma ơi: Hồi kết’

“Oh My Ghost: The Finale” làm mưa làm gió tại phòng vé Thái trước khi đặt chân về Việt Nam. Song thực tế, nội dung, kịch bản lẫn thông điệp phim rất kệch cỡm, thô tục và phản cảm.

Genre: Hài, Kinh dị
Director: Poj Anon
Cast:
Jaturong Phonboon, Charoenphol Onlamai, Wiradit Srimanlaya…
Rating: 1/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim

Ôi ma ơi: Hồi kết (tựa tiếng Anh: Oh My Ghost: The Finale) thuộc dòng kinh dị – hài hước, được quảng bá rầm rộ và gây sốt phòng vé Thái Lan trước khi đổ bộ rạp Việt. Phần phim điện ảnh khép lại hành trình gần 2 thập kỷ của thương hiệu Oh My Ghost, với 10 phần phim thành công, được đông đảo khán giả xứ chùa vàng yêu thích.

Song, việc được đón nhận nồng nhiệt chưa hẳn đã phản ánh khách quan yếu tố nội dung, chất lượng. Ôima ơi: Hồi kết là minh chứng điển hình cho nhận định này. Việc một phim thiếu giá trị nghệ thuật, lại kệch cỡm, kém văn minh lại thú hút được nhiều sự quan tâm, đã đặt ra dấu hỏi chấm lớn về khẩu vị thưởng thức của những người ủng hộ tác phẩm.

Hài nhảm, vô duyên và kệch cỡm

Oh My Ghost: The Finale do Poj Anon đạo diễn, kiêm biên kịch.

Chuyện phim theo chân hành trình bắt ma của của Panda, Taew và Kouy ở ngôi làng Sapayod đầy rẫy sự kiện bí ẩn, kỳ quái. Cũng tại đây, họ bắt gặp linh hồn một cô gái mang tên Dokyaa, thứ khiến dân làng ngày ngày sợ hãi. Hành trình bắt ma dần vén màn những bí mật đằng sau ngôi làng “lắm drama” này.

Dự án quy tụ các gương mặt đã gắn liền với series suốt gần hai thập kỷ như Jaturong Mokjok, Kohtee Aramboy hay Wiradit Srimalai.

Oi ma oi,  Oh My Ghost,  kinh di Thai anh 1

Bộ đôi Panda và Taew trong phim.

Không ngạc nhiên khi Oh My Ghost: The Finale lập thành tích phòng vé “khủng” ngay tại sân nhà Thái Lan. Bởi đứa con tinh thần của Poj Anon sở hữu một cốt truyện đơn giản, dễ xem dễ hiểu, lại có sự pha trộn giữa yếu tố kinh dị và hài hước – đánh đúng vào tâm lý xem phim của thượng đế xứ chùa vàng.

Cũng nhờ công thức này mà Oh My Ghost: The Finale thống trị phòng vé Thái một thời gian, dù phải cạnh tranh với nhiều bom tấn Hollywood như Dune 2, Kung Fu Panda 4 hay Godzilla x Kong: The New Empire...

Song nhìn nhận thực tế, chất lượng tác phẩm đi ngược với kỳ vọng. Kịch bản Oh My Ghost: The Finale khá nông và hời hợt, phát triển một cách khiên cưỡng, kém tự nhiên. Nội dung phim vừa nhảm lại cũ kỹ, hài hước chưa tới trong khi chất kinh dị lại nửa vời. Không có bất kỳ chất liệu đặc trưng của điện ảnh, tác phẩm mang lại cảm giác như những tựa phim hài nhảm chiếu mạng với tuổi đời vài thập kỷ.

Theo chân bộ ba Panda, Taew và Kouy đi bắt ma, câu chuyện của Oh My Ghost: The Finale khá hỗn độn và thiếu logic. Các sự kiện trên hành trình này rời rạc, chắp vá và không có sự kết nối. Người xem không hiểu được tình tự sự việc, cho tới động lực, nguyên nhân mỗi khi nhân vật đưa ra bất kỳ quyết định nào.

Các thế lực ma quỷ liên tiếp xuất hiện trong phim, nhưng đều có điểm chung là sự ồn ào. Thay vì tạo ra cảm giác sợ hãi, chúng lại khiến người xem mệt mỏi vì những cảnh cãi cọ, la hét đinh tai nhức óc. Ở vị trí là những người đi “trừ ma”, Panda, Taew và Kouy chỉ biết “tấu hài”, gặp nguy hiểm thì mặc ai nấy chạy. Phim bất chấp logic, mà cố gắng xây dựng các tình tiết vô lý, nhảm nhí nhất có thể để chọc cười người xem.

Oi ma oi,  Oh My Ghost,  kinh di Thai anh 2

Quán quân The Face Thailand Ticha góp mặt trong phim.

Thông điệp sai lệch

Càng kệch cỡm hơn khi biên kịch có ý tưởng sử dụng cộng đồng LGBT+ làm trò cười trong phim. Đa số nhân vật của Oh My Ghost: The Finale là người thuộc cộng đồng LGBT+. Song, hình tượng về họ hiện lên xuyên suốt tác phẩm bị bôi bác, hiện lên là những kẻ ồn ào, vô duyên, thích làm lố, chửi bậy và suy nghĩ nông cạn.

Những câu chửi tục dung tục xuất hiện tràn lan. Hành động của dàn nhân vật cũng không kém phần phản cảm, từ cách phản ứng lố trước mọi vấn đề, cho tới những màn pha trò kém duyên, nhảm nhí. Phim gây ngán ngẩm vì lạm dụng những cảnh đấu khẩu giữa Taew và cộng sự. Ở vị thế nhân vật chính, họ hiện lên nông cạn, thiếu chiều sâu, hành trình phát triển tâm lý cũng được tái hiện cực kỳ cẩu thả.

Sự lố bịch càng nhân lên gấp bội khi biên kịch chủ đích lạm dụng hình thể của nhân vật. Panda với cơ thể ngoại cỡ bị đem ra làm mồi câu tiếng cười với những bộ trang phục lố lăng khoe da thịt. Ê-kíp không ngần ngại để nhân vật mặc áo cộc, phơi ngực lộ liễu trong nhiều phân cảnh. Hay thậm chí, cô còn có màn khoe đồ lót một cách phản cảm.

Tương tự, Pancake cũng không kém phần lố lăng khi được xây dựng là một kẻ mê trai bất chấp. Không ít các tình tiết dung tục được gắn lên người nhân vật, từ việc nhìn trộm trai tắm, tỏ ra thèm thuồng trước những cậu trai trẻ hay thậm chí các đồ vật có hình dạng tương tự bộ phận riêng tư.

Đỉnh điểm trong một cảnh, Pancake tâm sự với Taew việc mình trót quan hệ với người vị thành niên. Đáp lại, Taew thích thú… xin số của cậu trai đó để thực hiện điều tương tự. Sự nhố nhăng của nhân vật khiến thông điệp phim hiện lên hoàn toàn sai lệch, thiếu tính nhân văn.

Oi ma oi,  Oh My Ghost,  kinh di Thai anh 3

Từ câu chuyện cho tới thông điệp của phim đều rất kệch cỡm.

Chẳng riêng Taew, Pancake và Panda, dàn nhân vật phụ cũng nhảm nhí và kệch cỡm không kém. Chính việc lấy cộng đồng LGBT+ cùng những trò lố, phản cảm để mồi chài tiếng cười khán giả tạo ra không cảm giác ức chế khi dõi theo tác phẩm.

Ngoài nội dung gây thất vọng, các yếu tố về hình ảnh, âm nhạc quay dựng cũng không được đảm bảo. Tạo hình ma quỷ trong phim rất hời hợt, thiếu đầu tư trong khi kỹ xảo “giả trân”, gây ngán ngẩm. Các hiệu ứng âm thanh ma mị bị lạm dụng, nhiều cảnh át cả thoại nhân vật. Nhiều cú máy, góc quay kém duyên khi cố ý phơi bày cơ thể hay vùng nhạy cảm.

Chưa bàn đến việc khó có thể coi Oh My Ghost: The Finale là một tác phẩm điện ảnh thực thụ vì quá nhiều lỗi sơ đẳng trong kịch bản, nội dung lẫn kỹ thuật, chính sự lố lăng, kệch cỡm khiến đứa con tinh thần của Poj Anon xứng đáng bị tẩy chay, thay vì thu hút được nhiều sự quan tâm như vậy.


Cùng chuyên mục