Trong bộ phim truyền hình “Nữ hoàng nước mắt” (Queen of Tears), nhân vật Hong Hae-in (diễn viên Kim Ji-won thủ vai) là tài phiệt đời thứ 3, thuộc thế hệ Millennials, sở hữu khối tài sản kếch xù. Ảnh minh hoạ: tvN. |
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Đại học Chicago (Mỹ) gần đây, khoảng cách giàu nghèo của thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) lớn nhất từ trước đến nay, tạo ra sự bất bình giai cấp mới.
Phần lớn người thuộc thế hệ Millennials vẫn phải loay hoay với những khoản nợ sinh viên, mức lương thấp và giá nhà ở đắt đỏ. Ngược lại, mức độ giàu có của giới thượng lưu Millennials vượt qua các thế hệ trước, theo CNBC.
Theo nghiên cứu trên, top 10% người giàu thuộc thế hệ Millennials sở hữu khối tài sản lớn hơn 20% so với thế hệ Baby Boomer (sinh năm 1946-1964) hồi ở cùng độ tuổi.
“Thế hệ này (Millennials) học đại học, tìm công việc sau khi tốt nghiệp và lập gia đình tương đối muộn. Họ giàu có hơn so với những người thuộc thế hệ Baby Boomer có lộ trình sống tương tự”, các tác giả nghiên cứu chia sẻ.
Những người thừa kế trẻ tuổi tạo ra khoảng cách giàu nghèo lớn. Ảnh minh hoạ: tvN. |
Người thừa kế
Tài sản thừa kế là một trong những nguồn tài chính lớn đối với Millennials. Thời kỳ này được gọi là “The great wealth transfer” (tạm dịch: “Cuộc đại chuyển giao tài sản”).
Trong 20 năm tới, những bậc cha mẹ thuộc thế hệ Baby Boomer dự kiến chuyển giao 70.000-90.000 tỷ USD cho con cái họ. Nhiều cá nhân sinh năm 1981-1996 sẽ nhanh chóng sở hữu tài sản ròng trị giá trên 5 triệu USD.
“Cuộc đại chuyển giao tài sản đang diễn ra. Độ tuổi trung bình của các tỷ phú trên thế giới hiện nay là xấp xỉ 69. Vì vậy, quá trình chuyển giao sẽ bắt đầu tăng tốc”, John Mathews, người đứng đầu bộ phận Quản lý tài sản tư nhân của tập đoàn tài chính UBS, cho biết.
Sự vương giả được thể hiện trên mạng xã hội bởi “nepo baby” (tạm dịch: “con của người nổi tiếng, được hưởng các đặc quyền do tầm ảnh hưởng của cha mẹ”) dễ dàng gây ra tình trạng căng thẳng giai cấp.
Thậm chí, một số cá nhân không sở hữu khối tài sản kếch xù vẫn hình thành thói quen chi tiêu quá tay, nỗ lực tạo ra một lối sống xa hoa ảo, chạy theo một bộ phận giàu có.
Một cuộc khảo sát của công ty tài chính ngân hàng Wells Fargo cho thấy 29% người thuộc thế hệ Millennials tham gia trả lời thừa nhận mua những món đồ vượt quá ngân sách để gây ấn tượng với người khác. Họ duy trì lối sống này bằng thẻ tín dụng hoặc các khoản vay.
Những người thừa kế khối tài sản lớn là khách hàng tiềm năng của nhiều doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ: Pexels/Tima Miroshnichenko. |
Cơ hội kinh doanh từ giới siêu giàu
Một nghiên cứu được tập đoàn tài chính UBS thực hiện chỉ ra rằng những người thừa kế đang sở hữu khối tài sản lớn hơn các tỷ phú tự thân. Đây là tình trạng diễn ra lần đầu tiên trong 9 năm qua.
Khối lượng tài sản gia tăng đột biến của những người thừa kế tạo cơ hội kinh doanh cho các công ty quản lý tài sản, cung cấp hàng hóa xa xỉ, hỗ trợ du lịch và môi giới bất động sản.
Clayton Orrigo, một trong những nhà môi giới bất động sản hạng sang hàng đầu ở Manhattan (New York, Mỹ), thành công xây dựng một doanh nghiệp “ăn nên làm ra” nhờ thế hệ trẻ giàu có.
Người sáng lập Nhóm tư vấn Hudson cũng bán được bất động sản trị giá 4 tỷ USD và thường xuyên thực hiện những giao dịch trên 10 triệu USD. Phần lớn khách hàng của anh là những người thừa kế ở độ tuổi 20 và 30.
“Tôi vừa bán một căn hộ trị giá 16 triệu USD cho một người mua hơn 20 tuổi sau khi anh ấy tiếp cận được quỹ tín thác của gia đình”, nhà sáng lập Nhóm tư vấn Hudson nói.
Tương tự, Clayton Orrigo cũng nhắm vào khách hàng Millennials giàu có. Anh nỗ lực xây dựng mối quan hệ với những gia đình vương giả, giới thượng lưu nhằm tiếp cận nhóm đối tượng chuẩn bị hưởng tài sản thừa kế.