Không ít người hâm mộ sẵn sàng rút ví để sở hữu trang phục mà thần tượng từng mặc. Ảnh minh họa: @roses_are_rosie. |
Năm 2022, một cặp kính râm Celine thuộc sở hữu của nhà văn nổi tiếng Joan Didion được bán với giá 27.000 USD. Năm 2023, chiếc quần Levi’s từng được nam ca sĩ Kurt Cobain mặc đã thu về 412.750 USD. Tháng trước, chiếc đồng hồ Rolex có họa tiết da báo nạm kim cương của danh ca Elton John được bán với giá 176.400 USD.
Tuy nhiên, số tiền đó chẳng thấm vào đâu nếu so sánh với chiếc áo len cừu đen của Công nương Diana được bán với giá 1,14 triệu USD vào năm ngoái.
Các sản phẩm thời trang từ phim truyền hình, phim điện ảnh và thậm chí từ quảng cáo gắn liền với những người nổi tiếng hoặc các sự kiện văn hóa đã bán được giá cao ngất thông qua những phiên đấu giá, theo CNN.
Những cuộc đấu giá thời trang luôn mang lại nhiều bất ngờ với những số tiền ngoài sức tưởng tượng. Ảnh: Christie’s. |
Những món đồ thời trang đắt đỏ bậc nhất
Chỉ riêng trong năm nay, chiếc túi Burberry khổng lồ từ bộ phim Succession đã được bán với giá 18.750 USD. Bộ đồ mà Nicole Kidman mặc trong quảng cáo của AMC Theaters đã có giá 9.525 USD. Một cuộc đấu giá trang phục và đạo cụ của bộ phim về hoàng gia The Crown cũng đã thu về tổng cộng 2,1 triệu USD.
Trong một thập kỷ qua, thời trang ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà đấu giá đình đám nhất thế giới như Sotheby’s, Bonhams và Christie’s.
Danh mục này đóng vai trò quan trọng trong chiến lược thu hút thế hệ khách hàng mới của họ.
“Dù là ai cũng có thể tham gia, miễn là có đủ tiền để chi trả. Các phiên đấu giá thời trang và túi xách không phải sở thích dành cho tất cả, mà chỉ dành cho những người có khả năng tài chính”, Lucy Bishop, chuyên gia thời trang và túi xách của Sotheby’s, nhận định.
Chiếc áo len cừu đen của Công nương Diana được bán với giá 1,14 triệu USD vào năm ngoái. Ảnh: Frank Augstein/AP. |
Những người mua trong các phiên đấu giá thời trang thường là viện bảo tàng, nhà sưu tập tư nhân, các nhà buôn hàng cổ, và những người hâm mộ cuồng nhiệt.
Một số người mua hàng với hy vọng thu được lợi tức đầu tư. Nhưng với một vài người khác, việc mua được món hàng thời trang đó chỉ như là một phần thưởng dành cho bản thân.
Tại sao thời trang được đấu giá cao?
Những món đồ quan trọng nhất trong lịch sử đều thường được các bảo tàng lớn thu thập. Ngay cả khi những món đồ này được mua bởi các nhà sưu tập tư nhân, chúng vẫn có thể được trưng bày trong bảo tàng dưới hình thức cho mượn.
Các ngôi sao như Lady Gaga và Kim Kardashian hay nữ diễn viên Laverne Cox cũng đã mua quần áo của người nổi tiếng thông qua các cuộc đấu giá tương tự.
Những người mua các sản phẩm thời trang trong các phiên đấu giá thường là vì đam mê. Tuy nhiên, vẫn có một số khác “săn hàng” trong những phiên đấu giá vì họ muốn có sự kết nối với nhân vật nổi tiếng hoặc một di sản văn hóa nào đó.
Chiếc váy huyền thoại của Marilyn Monroe được Kim Kardashian mặc lại tại Met Gala đã tăng giá gấp 3 lần. Ảnh: WWD. |
Ví dụ, một chiếc túi xách Lady Dior năm 2019 do Elizabeth Debicki sử dụng khi đóng vai Công nương Diana trong The Crown đã có giá lên tới 12.000 USD thay vì giá bán lẻ chỉ 4.000 USD.
“Người mua thường là các fan, chứ không phải là những người theo đuổi thời trang chính thống. Họ muốn sở hữu các món đồ đặc biệt này với giá cao để thể hiện sự ủng hộ và tôn trọng đối với người nổi tiếng hoặc các sự kiện liên quan”, Meg Randell, người đứng đầu bộ phận thời trang và túi xách tại Bonhams, cho biết.
Leigh Anne Clark, một khách hàng thân thuộc của các thương hiệu Valentino, Saint Laurent và Chanel, đã giành được chiếc Birkin của Andre Leon Talley, biên tập viên lừng danh của tạp chí Vogue, tại cuộc đấu giá do Christie’s tổ chức vào năm ngoái, để bày tỏ lòng ngưỡng mộ với anh.
Cô dự định sẽ trưng bày nó trong tủ thay vì sử dụng thường xuyên.
Trong khi đó, Renae Plant, một giáo viên sống tại California (Mỹ) đã mua được 89 món đồ của Công nương Diana – bao gồm cả chiếc váy Versace xuất hiện trên trang bìa Harper’s Bazaar tháng 11/1997. Chiếc váy mà cô mua được vào năm 2015 có giá 200.000 USD.
Plant đang điều hành một trang web giới thiệu bộ sưu tập của mình, đồng thời lên ý định tổ chức một cuộc triển lãm lớn.
Chiếc váy Versace mà Công nương Diana mặc khi xuất hiện trên trang bìa Harper’s Bazaar tháng 11/1997 được bán lại với giá 200.000 USD. Ảnh: Harper’s Bazaar, Renae Plant. |
Ngoài ra, tiềm năng về lợi nhuận cũng đã thu hút nhiều người quan tâm đến các sản phẩm thời trang được đấu giá. Khi một sản phẩm được gắn vào một bộ phim ăn khách, nó thường dễ bán hơn.
Ví dụ, Shannon Hoey, nhà buôn thời trang cổ điển, đã bán lại một biểu tượng mà Carrie Bradshaw sử dụng trong bộ phim Sex and the City cho Sotheby’s với giá 25.400 USD vào năm 2023.
Các chuyên gia dự đoán trong các cuộc đấu giá tiếp theo, một món đồ có thể sẽ được bán với số tiền lớn hơn nhiều so với những lần trước đó.
Điển hình như chiếc váy huyền thoại của Marilyn Monroe đã tăng giá gấp 3 lần, từ 1,27 triệu USD vào năm 1999 lên 4,8 triệu USD vào năm 2016. Tuy nhiên giá trị của chiếc váy chưa có sự dừng lại. Sau sự kiện Kim Kardashian mặc lại chiếc váy này, giá của sản phẩm có thể lên đến 10 triệu USD.
“Chiếc váy đó bây giờ sẽ được bán với giá 10 triệu USD nhờ mối liên hệ chặt chẽ với một người nổi tiếng”, Martin Nolan, giám đốc điều hành của Julien’s Auctions, nói.