Nhà đầu tư trang sức nhận tin vui

Thị trường trang sức thể hiện sự bền vững đáng ngạc nhiên trong năm 2023, trong khi hầu hết khoản đầu tư xa xỉ khác cho thấy dấu hiệu suy yếu.

Trang sức là một trong những khoản đầu tư xa xỉ đáng giá nhất. Ảnh minh họa: @roses_are_rosie.

Chỉ số Đầu tư xa xỉ Knight Frank (KFLII) mới nhất cho thấy trang sức là tài sản giá trị thứ hai trong năm, với mức tăng trưởng hàng năm là 8%, chỉ sau các tác phẩm nghệ thuật, SCMP đưa tin.

Giá trị của đồ trang sức một phần đến từ kim loại quý và đá quý được sử dụng. Điều này khiến chúng trở thành khoản đầu tư tuyệt vời trong thời kỳ kinh tế bất ổn, theo Andrew Shirley, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng xa xỉ tại công ty tư vấn và kinh doanh bất động sản toàn cầu Knight Frank, cho biết.

Sức mua vẫn mạnh mẽ

Chỉ số KFLII, theo dõi những biến động về giá của 10 hạng mục đầu tư xa xỉ phổ biến nhất, đã giảm nhẹ xuống vùng âm lần thứ hai khi thị trường xa xỉ hạ nhiệt từ mức cao kỷ lục.

Dù vậy, nhu cầu mua trang sức vẫn mạnh mẽ, đặc biệt đối với những món đồ cổ mang tính biểu tượng, đá quý có màu sắc độc đáo và bộ sưu tập của một chủ sở hữu duy nhất.

Theo Jonathan Abram, Giám đốc thương hiệu tại công ty trang sức Ronald Abram, không phải phân khúc nào của thị trường trang sức cũng gặp khó khăn. Riêng những thiết kế quý hiếm có giá trị sưu tầm luôn giữ được giá trị của chúng.

dau tu trang suc,  thi truong trang suc,  kim cuong mau,  nganh hang xa xi,  chi so Knight Frank anh 1
Đá quý màu sắc được đón nhận tích cực. Ảnh minh họa: EPA-EFE.

Abram nói thêm các nhà sưu tập đang chú ý đến các loại đá quý màu tự nhiên chưa qua xử lý, chẳng hạn như hồng ngọc Burmese, đá sapphire Kashmir và ngọc lục bảo Colombia. Ngoài ra, ngày càng nhiều người quan tâm đến trang sức di sản, loại trang sức từng có chủ sở hữu và truyền lại cho thế hệ sau, đặc biệt là những thiết kế có chữ ký từ các nhà kim hoàn quốc tế nổi tiếng.

Thêm vào đó, khả năng giữ giá của đá quý màu cho thấy mối quan tâm mạnh mẽ từ những người mua trẻ tuổi. Văn hóa đại chúng gần đây đã góp phần tác động đáng kể đến ngành hàng trang sức xa xỉ.

Chẳng hạn, ngôi sao nhạc rap Drake đã mua chiếc nhẫn vương miện của Tupac Shakur, một trong những rapper có ảnh hưởng nhất mọi thời đại, với giá 1 triệu USD tại phiên đấu giá của Sotheby’s vào tháng 7/2023. Chiếc nhẫn được bán với mức giá cao gấp 3 lần so với giá trị ước tính ban đầu, đồng thời là một trong những hiện vật hiphop có giá trị nhất từng được đấu giá.

Sebastian Duthy, Giám đốc điều hành tại Art Market Research, công ty phân tích xu hướng và giá cả của thị trường nghệ thuật và hàng xa xỉ, cho biết một số thiết kế trang sức cổ điển đến từ các hãng cao cấp Cartier, Bulgari và Van Cleef & Arpels được bán giá cao. Nhưng yếu tố quan trọng nhất giúp làm tăng giá trị của những trang sức này là việc chúng từng thuộc sở hữu của một người nổi tiếng.

“Các nhà sưu tập phần lớn bị thu hút bởi độ hiếm có của trang sức. Các yếu tố khác như tay nghề thủ công tinh xảo, thiết kế mạnh mẽ và tính thuận tiện sử dụng cũng làm nên sức hút của món đầu tư giá trị này”, ông nói thêm.

Triển vọng tích cực

Dù mức tăng giá ở hầu hết hạng mục mà KFLII theo dõi đã chậm lại trong giai đoạn cuối năm, ông Shirley cho biết thị trường xa xỉ chỉ đơn giản là đang “tiêu hóa” lượng dư thừa sau một đợt tăng giá kéo dài.

“Trang sức chắc chắn là khoản đầu tư đam mê lâu đời nhất và được đánh giá cao trên toàn thế giới. Tình yêu và sự đổi mới liên tục từ những nhà làm trang sức sẽ khiến thị trường trang sức tiếp tục phát triển và có cơ hội trong tương lai”, ông khẳng định.

dau tu trang suc,  thi truong trang suc,  kim cuong mau,  nganh hang xa xi,  chi so Knight Frank anh 4
Bộ trang sức tutti-frutti này của Cartier được bán tại Sotheby’s Hong Kong với giá 2,69 triệu USD vào tháng 4/2023. Ảnh: Handout.

Bên cạnh đó, giá trị sinh lời mạnh mẽ của trang sức cho thấy một số phân khúc xa xỉ ít bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

Ngoài ra, sự gia tăng giá trị đối với kim cương màu, đặc biệt là kim cương màu sắc rực rỡ và kích thước nhỏ hơn, đang cho thấy triển vọng tích cực cho ngành hàng này.

Theo Quỹ nghiên cứu Fancy Color, trang sức đã chứng minh được khả năng phục hồi đáng kể vào năm 2023. Ông Shirley cho rằng nhu cầu về đồ trang sức nói chung sẽ vẫn mạnh mẽ cho đến năm 2024 bất chấp biến động về kinh tế.

Ông cho biết: “Sức mua sắm của những cá nhân có thu nhập trung bình ở một số quốc gia như Trung Quốc đang giảm nhưng số lượng người có giá trị tài sản ròng cực cao đã tăng lên vào năm 2023. Điều này cho thấy vẫn còn những người sẵn sàng chi tiền và tôi tin rằng nhu cầu về đồ trang sức vẫn sẽ mạnh mẽ”.

  • Dior im lặng trước bê bối thổi giá

    Bê bối thổi giá gấp 50 lần và bóc lột sức lao động tại xưởng Italy đã đẩy Dior vào khủng hoảng. Sau gần 1 tháng, hãng xa xỉ vẫn chưa có động thái cứu vãn danh tiếng.

  • Điều khiến Ferrari thành hãng xa xỉ nhất thế giới

    Ferrari lần đầu soán ngôi Hermès, trở thành nhãn hàng xa xỉ có giá trị lớn nhất thế giới năm nay. Thương hiệu được định giá 75 tỷ USD, gấp khoảng 1,5 lần giá trị vốn hoá thị trường của Ford và General Motors.


Cùng chuyên mục