Thấy gì từ trào lưu ‘nghe và không đánh giá’?

Không chỉ là trào lưu mạng, “Chúng tôi lắng nghe và không đánh giá” còn thể hiện mong muốn có môi trường không phán xét để chia sẻ chân thật hơn trong mối quan hệ.

Sau hơn một tuần đăng tải, một bài đăng vỏn vẹn 8 chữ “Chúng tôi lắng nghe và không đánh giá” đã thu về gần 6.000 lượt thích và hơn 6.800 lượt đăng lại (repost), tạo nên cuộc thảo luận lớn trên mạng xã hội Threads.

lang nghe khong phan xet, nghe va khong danh gia, we listen and dont judge,  trao luu mang, anh 1

Theo chuyên gia, xu hướng này có thể khuyến khích mọi người giao tiếp chân thành hơn. Ảnh: @hoinaydoc/TikTok.

Dưới bài đăng, nhiều người tiết lộ câu chuyện cá nhân mà họ từng giấu kín vì lo ngại bị phán xét. Trào lưu này cũng nhân được sự quan tâm của giới trẻ trên nền tảng TikTok, dưới hình thức quay clip cùng bạn bè, người thân để thú nhận những điều họ từng làm trong quá khứ, thường là những bí mật gây xấu hổ, khó xử và khó tưởng tượng.

Một số ví dụ như “tôi vẫn dùng chung tài khoản Netflix với người yêu cũ cho đỡ tốn tiền”, “tôi từng giấu dép của mẹ rồi đổ thừa cho em gái”, hay “tôi chỉ gội đầu một lần/tuần”…

Nhiều trong số các video được thực hiện bởi các cặp đôi. Dù phần lớn video đều mang sắc thái hài hước, trào lưu “Chúng tôi lắng nghe và không phán xét” có thể tạo ảnh hưởng tích cực đến hành vi của mọi người trong các mối quan hệ, theo một số chuyên gia.

Thúc đẩy thói quen giao tiếp chân thành

“Chúng tôi lắng nghe và không đánh giá” vốn là trào lưu nước ngoài được du nhập về Việt Nam, với tựa đề tiếng Anh là “We listen and we don’t judge” (tạm dịch: “Chúng tôi lắng nghe và không phán xét”).

Giống như tên gọi, người nghe không được phán xét hoặc chỉ trích khi đối phương tiết lộ bí mật, câu chuyện xấu hổ. Không ít clip thu hút hàng triệu lượt xem cùng loạt bình luận bởi yếu tố hài hước và người xem dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm.

Chẳng hạn, clip về chủ đề này của vợ chồng Janie Ippolito, một nhà sáng tạo nội dung mảng gia đình ở Mỹ, đã nhận được hơn 37 triệu lượt xem trên TikTok khi cặp đôi thừa nhận từng giả vờ bận rộn để lánh mặt các con. Hay nhà sáng tạo nội dung Laro Benz thu về 16 triệu lượt xem cho đoạn video thừa nhận với vợ rằng anh từng giả ốm “để được cưng chiều”.

“Tôi cho rằng xu hướng này có thể khuyến khích mọi người giao tiếp chân thành hơn trong mối quan hệ”, Tiến sĩ xã hội học Jenn Gunsaullus (Mỹ), đồng thời là chuyên gia tư vấn về mối quan hệ và sự thân mật có kinh nghiệm 15 năm, chia sẻ với Well+Good.

lang nghe khong phan xet, nghe va khong danh gia, we listen and dont judge,  trao luu mang, anh 2

Không phải lời thú nhận nào cũng được “lắng nghe và không đánh giá”. Người nghe có thể bị tổn thương, hiểu lầm hoặc thất vọng. Ảnh: @mmmjoemele/TikTok.

Cụ thể, trào lưu góp phần lan tỏa thông điệp về sự giao tiếp chân thành trong mối quan hệ. Không chỉ thế, người xem có thể nhận ra tầm quan trọng của việc chủ động lắng nghe đối phương mà không đưa ra phản hồi tiêu cực ngay lập tức.

Ngoài ra, đối với các cặp đôi, bà Gunsaullus cho rằng họ có thể áp dụng phương thức “lắng nghe và không phán xét” vào ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày với đối phương.

Điều này giúp tạo nên không gian thoải mái, từ đó thúc đẩy cả hai trở nên chân thành và thấu hiểu đối phương hơn. Tương tự, phương pháp “lắng nghe và không phán xét” cũng nên áp dụng vào cách giao tiếp hàng ngày đối với bạn bè và gia đình.

Bàn thêm về mối liên hệ giữa trào lưu này và các mối quan hệ, Genesis Games, nhà trị liệu cặp đôi và chủ sở hữu trung tâm trị liệu Healing Connections tại Mỹ, nhận định rằng nguồn gốc của sự phán xét thường xuất phát từ kỳ vọng đối phương hành xử theo mong đợi của bản thân. Còn nỗi sợ bị đánh giá khiến nhiều người chọn cách nói dối hoặc giấu giếm sự thật với đối phương.

Nhiều người mong muốn có một môi trường không phán xét để chia sẻ chân thật hơn trong mối quan hệ, và dường như trào lưu “Chúng tôi lắng nghe và không đánh giá” đang giải quyết nhu cầu này.

Rủi ro về quyền riêng tư

Những bí mật nhỏ nhặt có thể giúp đôi bên thấu hiểu nhau hơn, nhưng chuyên gia Games nhấn mạnh rằng “lắng nghe và không phán xét” không đồng nghĩa với việc bỏ qua cảm xúc cá nhân.

Khi nghe sự thật từ đối phương, người nghe có thể bị tổn thương, hiểu lầm hoặc thất vọng. Vấn đề này là hoàn toàn tự nhiên, và cần được xử lý thông qua các cuộc trò chuyện chân thành, sâu sắc để giải quyết những cảm xúc này, từ đó hiểu nhau hơn.

lang nghe khong phan xet, nghe va khong danh gia, we listen and dont judge,  trao luu mang, anh 3

Mọi người nên cởi mở và thấu hiểu lẫn nhau ở môi trường riêng tư. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels.

Chung nhận định, tiến sĩ Gunsaullus cho biết sau khi khám phá những bí mật, cả hai nên có cuộc trò chuyện sâu sắc và nghiêm túc, nhằm hiểu được điều gì khiến đối phương quyết định giấu giếm hoặc nói dối. Họ có thể cảm thấy không được ủng hộ và quan tâm, cũng như lo sợ phản ứng tiêu cực đến từ người kia.

Ngoài ra, bà cảnh báo về việc chia sẻ công khai những chuyện cá nhân trên không gian mạng. Hành động này có thể khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn. Theo Viện Công nghệ New York, việc chia sẻ thông tin cá nhân trên môi trường trực tuyến có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ, đồng thời tăng nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng.

Thay vào đó, một không gian riêng tư và không có sự xuất hiện của người lạ sẽ phù hợp để mọi người cởi mở và thấu hiểu lẫn nhau. Bên cạnh sự chân thành, cách thức chia sẻ và phản ứng với những bí mật của đối phương cũng là yếu tố quan trọng.

Verywell Mind cho biết những người cảm thấy hạnh phúc, hài lòng trong các mối quan hệ xung quanh luôn biết cách giao tiếp chân thành và lắng nghe đối phương. Do đó, thói quen “lắng nghe và không phán xét” có thể giúp mọi người xây dựng mối quan hệ sâu sắc, chân thành và lâu dài hơn.


Cùng chuyên mục