Thế hệ trẻ Trung Quốc được mô tả là “thiếu sức sống” trong xã hội hiện đại. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels. |
Một khảo sát chung của ĐH Bắc Kinh và ĐH Phúc Đán về đời sống riêng tư của người Trung Quốc bất ngờ trở thành chủ đề “hot” trên mạng. Với sự tham gia của khoảng 7.000 người, kết quả khảo sát cho thấy tần suất quan hệ tình dục đang giảm rõ rệt ở thế hệ trẻ, đặc biệt là những người sinh sau năm 1995, theo Lianhe Zaobao.
Theo khảo sát, chỉ khoảng 50% thế hệ hậu 95 cho biết họ có quan hệ tình dục hàng tuần, thấp hơn so với thế hệ sinh vào thập niên 1980 và đầu 1990.
Đáng chú ý hơn, trong nhóm hậu 95 có bạn đời, 14,6% nam giới và 10,1% phụ nữ thừa nhận họ không có quan hệ tình dục trong suốt một năm qua, tỷ lệ này cao hơn nhiều so với các thế hệ sinh vào thập niên 1970 và 1980.
Sự suy giảm ham muốn tình dục không phải là vấn đề riêng của Trung Quốc. Nhật Bản là một ví dụ điển hình.
Trong thời kỳ kinh tế bong bóng thập niên 1980, 60-70% nam nữ ở độ tuổi 18-34 có quan hệ tình cảm. Tuy nhiên, sau khi bong bóng vỡ, Nhật Bản dần trở thành một xã hội “thấp ham muốn”. Đến năm 2015, hơn 70% phụ nữ và gần 80% nam giới ở độ tuổi 20 không có bất kỳ mối quan hệ tình cảm nào.
Áp lực cuộc sống
Yu Jia, Phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Xã hội thuộc ĐH Bắc Kinh, một trong những người khởi xướng khảo sát, nhận định rằng tình hình kinh tế càng tồi tệ, tần suất hoạt động tình dục ở giới trẻ càng giảm.
Bà dẫn lại chia sẻ từ những người trẻ được phỏng vấn: trong bối cảnh áp lực xã hội ngày càng tăng, niềm vui từ việc có một mối quan hệ hay quan hệ tình dục không thể so sánh với cảm giác thành tựu khi đỗ cao học hoặc tìm được một công việc tốt.
Gao Shanwen, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Chứng khoán SDIC, có quan điểm tương tự. Ông cho rằng xã hội hiện tại đang trở thành bức tranh đối lập: “Người già năng động, người trẻ thiếu sức sống, và người trung niên tràn ngập tuyệt vọng”.
Thế hệ trẻ Trung Quốc, đặc biệt hậu 1995, giảm rõ rệt tần suất quan hệ tình dục. Ảnh minh họa: Ivan Samkov/Pexels. |
Theo Gao Shanwen, trong khi người già với lương hưu ổn định có thể tận hưởng cuộc sống bằng những hoạt động như khiêu vũ ngoài trời, thế hệ trẻ lại đối mặt với sự bất ổn trong thu nhập. Nhiều người không tìm được việc làm hoặc chấp nhận những công việc không như kỳ vọng, buộc họ phải “thắt lưng buộc bụng, ăn mì gói trong bóng tối”.
Quan sát này không chỉ phản ánh thực trạng kinh tế mà còn liên quan đến thái độ của giới trẻ Trung Quốc đối với đời sống tình cảm. Khi họ đã kiệt sức vì guồng quay công việc và chỉ đủ sức “sống sót qua ngày”, việc dành thời gian và năng lượng cho các nhu cầu sinh lý hay xây dựng mối quan hệ thân mật trở nên xa xỉ.
Tình trạng này khiến đất nước tỷ dân đối mặt với tình trạng tỷ lệ sinh giảm, dân số già hóa nhanh, đặt ra thách thức lớn cho sự phát triển kinh tế lâu dài của quốc gia.
Quyền sinh con trong ‘khủng hoảng tình dục’
Hiện tượng “khủng hoảng tình dục” cũng phần nào phản ánh tư duy truyền thống về vai trò sinh sản của phụ nữ trong xã hội.
Tại một buổi diễn thuyết tháng 11 tại ĐH Nhân dân Trung Quốc, chuyên gia Wang Xianju gây tranh cãi khi hỏi Cố vấn Quốc gia Kazakhstan Erlan Qarin cách khiến nữ sinh đại học “tự giác” sinh con sớm. Đáp lại, Qarin nhấn mạnh không nên ép buộc phụ nữ sinh nở.
Áp lực kinh tế và xã hội là nguyên nhân chính khiến giới trẻ ít quan tâm đến đời sống tình dục. Ảnh minh họa: Tingshu Wang/Reuters. |
Truyền thông Kazakhstan sau đó nêu bật thành tựu của nước này trong việc thúc đẩy quyền phụ nữ, từ cải thiện phúc lợi thai sản đến bình đẳng giáo dục, giúp dân số tăng từ 14,8 triệu (2021) lên 20,24 triệu (2023).
Gao Shanwen đã cảnh báo về các thách thức kinh tế và nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp mạnh mẽ để phục hồi tăng trưởng.
Theo Gao, các vấn đề kinh tế và xu hướng dân số có mối liên hệ chặt chẽ, và giải pháp phải tập trung vào cải thiện điều kiện sống cho giới trẻ, trao quyền cho phụ nữ và khôi phục niềm tin thị trường.