Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối đã chính thức trở thành phim lịch sử – chiến tranh đầu tiên của điện ảnh Việt Nam vượt mốc 100 tỷ đồng doanh thu. Tác phẩm không chỉ gây ấn tượng với khán giả nhờ câu chuyện đầy kịch tính mà còn nhận được nhiều lời khen ngợi dành cho đạo diễn Bùi Thạc Chuyên với cách kể chuyện tinh tế và đột phá.

Góc nhìn trung lập về cuộc chiến
Địa đạo đưa người xem trở về năm 1967, thời điểm chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Tại căn cứ Bình An Đông – Củ Chi, đội du kích do Bảy Theo (Thái Hòa) chỉ huy trở thành mục tiêu hàng đầu của quân đội Mỹ.
Bùi Thạc Chuyên kể lại cuộc chiến với góc nhìn trung lập. Anh không tìm cách hạ thấp quân địch, cũng không tô hồng lực lượng du kích. Lính Mỹ hiện lên như một lực lượng hùng hậu, trang bị vũ khí hiện đại, phương tiện tối tân. Trái lại, hình ảnh người du kích được khắc họa qua những tình tiết rất đời thường, như cảnh các chiến sĩ chiếu phim tài liệu cho nhau xem dưới lòng đất.

Nhiều phân đoạn, Bùi Thạc Chuyên không dùng lời thoại mà để ngôn ngữ điện ảnh giãi bày. Như cảnh Bảy Theo cầm khẩu súng trường, mồ hôi nhễ nhại dưới hầm địa đạo. Nhân vật không nói gì, nhưng ánh mắt và cử chỉ tỏ rõ quyết tâm và nỗi lo của một người đội trưởng, đang phải gánh vác trách nhiệm nặng nề.
Sự tĩnh lặng mà Bùi Thạc Chuyên dàn dựng xuyên suốt phim cũng là một dụng ý. Nó như bàn đạp để đẩy cảm xúc lên cao trào khi cần thiết, đặc biệt là trong phân đoạn chú Sáu (Cao Minh) bị bắt. Đạo diễn biến cảnh quay thành một tuyên ngôn mạnh mẽ.
Ẩn ý của Bùi Thạc Chuyên
Suốt thời lượng 128 phút, Bùi Thạc Chuyên cài cắm nhiều chi tiết ẩn dụ. Đơn cử, con tắc kè ban đầu xuất hiện như một “người bạn” của Bảy Theo. Nó bị nhốt trong lồng, tượng trưng cho sự kiềm chế và tình thế bó buộc của người lính du kích trong cuộc chiến.
Gần cuối phim, Bảy Theo thả con tắc kè ra khỏi lồng trước trận đánh sống còn. Hành động đó đầy ý nghĩa, gợi lên sự giải phóng và tinh thần sẵn sàng đối mặt với số phận. Với đặc tính thay đổi màu sắc, tắc kè thoắt ẩn thoắt hiện chẳng khác gì lính du kích Việt.

Cảnh làm tình giữa Ba Hương (Hồ Thu Anh) và Tư Đạp (Quang Tuấn) ở cuối phim gây tranh cãi, nhưng cũng là một ẩn ý. Đạo diễn biến khoảnh khắc nhạy cảm trở thành biểu tượng của tình yêu thời chiến – vừa mãnh liệt vừa mong manh, bi thương nhưng thi vị.
Nhan đề phim cũng giàu ý nghĩa. Những đường hầm địa đạo chật hẹp, tăm tối gợi lên sự ngột ngạt của chiến tranh, tương phản với ánh sáng le lói, yếu ớt từ những ngọn đèn dầu. Nhưng chính ánh sáng của niềm tin và hy vọng của các chiến sĩ mới chính là “mặt trời trong bóng tối”.
Theo Tiền Phong