Aneesh Raman, phó chủ tịch và chuyên gia về nguồn nhân lực tại LinkedIn, cho biết trong bối cảnh kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng, các nhà tuyển dụng đang muốn tìm kiếm nhân sự sở hữu “tư duy phát triển”. “Đây là một kỹ năng mới giúp nhân sự có trình độ ngang với người có bằng cấp ở Harvard”.
Tư duy phát triển – một khái niệm do nhà tâm lý học Carol Dweck đặt ra – là ý tưởng về việc mọi người có thể tiếp tục cải thiện khả năng và kiến thức của bản thân bằng cách học hỏi liên tục. Ngược lại, có một tư duy cố hữu rằng mọi người không thể cải thiện kỹ năng của bản thân.
Raman cho biết, việc ưu tiên học tập và phát triển liên tục đặc biệt quan trọng đối với các nhân sự trẻ ngày nay – những người mà một ngày nào đó có thể đảm nhận một vai trò chưa từng tồn tại.
Ví dụ: LinkedIn gần đây đã xác định công việc sẽ phát triển nhanh chóng trong năm 2024 là giám đốc tăng trưởng và nhà phân tích bền vững – hai đầu việc chưa từng xuất hiện trong 20 năm trước.
Lợi thế của các sinh viên vừa ra trường là thái độ tích cực, sẵn sàng học tập suốt đời. Ảnh: HRM Asia. |
Shekhinah Bass, người đứng đầu chiến lược nhân tài của Goldman Sachs, chia sẻ với CNBC: “Rèn luyện tư duy phát triển bao gồm việc đặt ra các mục tiêu đầy thách thức cho bản thân và chấp nhận rủi ro mà nó mang lại. Đồng thời, người muốn rèn luyện tư duy này còn phải tiếp thu bình luận và sự dạy dỗ từ người khác trong công việc”.
Bà còn nhấn mạnh cách các bạn trẻ tiếp thu “feedback” từ lãnh đạo là yếu tố quan trọng trong quá trình rèn luyện tư duy phát triển. “‘Feedback’ có thể giúp mọi người xác định những điểm yếu và tìm cách khắc phục chúng. Với tư duy phát triển, bạn sẽ thấy điểm yếu là những thứ có thể được giải quyết”.
Theo nghiên cứu, việc có tư duy phát triển là cần thiết để đạt được mục tiêu và có thêm nhiều kỹ năng chuyên môn. Đồng thời, tư duy này cũng giúp mọi người xem thất bại là cơ hội học tập, thay đổi theo chiều hướng tích cực trong cuộc sống.
Đặc biệt, tư duy phát triển còn là một lợi thế giúp ứng viên cạnh tranh trong thị trường tuyển dụng. Nếu thể hiện bản thân sẵn sàng học hỏi trong công việc và nỗ lực để trở thành thành viên giá trị của nhóm, ứng viên sẽ được ưu tiên.
“Tư duy phát triển đòi hỏi bạn phải có thái độ tích cực đối với việc học”, Roman nói. “Lợi thế cạnh tranh lớn nhất mà một sinh viên mới ra trường có thể có là ý tưởng về việc họ sẽ học tập suốt đời và cảm thấy tự hào về điều đó”.