Rủ nhau ‘ngủ 5 ngày 5 đêm’ ở TP.HCM nhưng có người quay xe phút chót

Nhiều bạn trẻ TP.HCM nhất quyết “tắt báo thức”, “ngủ 5 ngày 5 đêm, mặc kệ sự đời”, song cũng có những trường hợp đổi ý phút chót vì không cưỡng lại được lời mời làm dự án mới.

Nhìn đồng hồ báo thức điểm 10h, Nhật Nam (22 tuổi) vươn vai vài cái cho tỉnh táo, rồi vệ sinh cá nhân và xuống nhà ăn sáng. Tuy nhiên, đây chưa phải lần dậy “chính thức” của Nam, bởi cô dự tính ngủ tiếp đến 12h khi ăn sáng xong.

“Tôi ngủ ‘đã đời’ mấy ngày lễ mà không quan tâm đến báo thức, dù vẫn đặt cho có để biết mình mở mắt lúc mấy giờ. Tôi cũng không phải trải qua cảm giác giật thót tim vì lỡ ngủ quên”, Nam cười, nói với chúng tôi.

Nhật Nam là một trong số những người dành trọn 5 ngày nghỉ với hoạt động chính là… ngủ – một cách nói vui cho việc chơi lễ tại gia, dành thời gian “thả trôi” một mình hoặc ở bên người thân sau những ngày cắm cúi chạy deadline.

Chẳng mong gì hơn một giấc ngủ

Những ngày qua, nhiều sự kiện ảo với cú pháp “hoạt động + 5 ngày 5 đêm” bất ngờ được lan truyền, chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội như “quẩy 5 ngày 5 đêm”, “đọc sách 5 ngày 5 đêm”, “thiền 5 ngày 5 đêm”… Trong đó, loạt sự kiện liên quan đến việc ngủ hay tắt báo thức xuyên suốt kỳ nghỉ lễ đã thu hút nhiều người quan tâm hơn cả.

Ngu 5 ngay 5 dem,  5 ngay 5 dem anh 1

Trào lưu “ngủ 5 ngày 5 đêm nhân dịp lễ 30/4-1/5” được nhiều cư dân mạng hưởng ứng.

Thường ngày, Nam ngủ khi quá nửa đêm và thức dậy lúc 5h30 để chuẩn bị đi cà phê tự học tiếng Nhật. Tuần nào Nam cũng có 3-5 buổi học như vậy; mỗi buổi kéo dài từ 7h30-11h30. Vì biết mình luôn uể oải mỗi khi dậy sớm, cô rủ bạn học cùng để có động lực thức dậy vào buổi sáng.

Nhưng đợt này, Nam nói vui rằng mình sẽ có 5 ngày không lo bị cô bạn kia đánh thức. Hơn nữa, việc tận dụng thời gian nghỉ lễ để ngủ bù hoàn toàn nằm trong kế hoạch ban đầu của Nam.

“Tôi hoạt động quá nhiều vào ngày thường nên cần nghỉ ngơi mấy ngày lễ để hồi phục năng lượng. Hơn nữa, nắng nóng gay gắt kéo dài ở TP.HCM khiến tôi không còn tâm trạng đi chơi như các năm trước. Nếu tôi nhớ không lầm, thời tiết cùng thời điểm vào năm ngoái mát mẻ hơn nhiều vì có mưa”, Nam cho biết.

Do đó, thay vì đi chơi cả ngày cùng bạn bè, Nam chọn ở nhà “ngủ nướng”, thỉnh thoảng ăn uống bên ngoài vào chiều tối để tránh nắng – dù bản thân trước đây vốn thích đi chơi “giờ hành chính”.

Ngu 5 ngay 5 dem,  5 ngay 5 dem anh 2

Như Ý hạn chế đi chơi trong 5 ngày nghỉ. Ảnh: NVCC.

Từ khi đi làm, Như Ý (22 tuổi, làm việc trong lĩnh vực tổ chức sự kiện ở TP.HCM) chỉ mong ngày nghỉ đến thật nhanh để “chill” tại nhà, bao gồm ngủ mà không cần đặt báo thức lúc 7h.

“Tôi ngủ đến 9, 10h và cũng cho phép bản thân thức khuya hơn để ‘cày’ phim. Tôi lên kế hoạch ngủ xuyên lễ phần vì lười ra ngoài, phần vì e ngại thời tiết nóng bức. Hình như càng lớn, tôi càng thích ở nhà chứ không ham tụ tập đi chơi như trước kia”, Ý chia sẻ.

Với Ý, làm việc 8 tiếng/ngày đã rút cạn năng lượng của mình, nên cô không mong gì hơn một giấc ngủ thoải mái trong dịp lễ 30/4-1/5. Trước đó, Ý từ chối đi ăn cùng công ty chỉ vì muốn nhanh chóng về nhà để tận hưởng kỳ nghỉ.

Tranh thủ “me time”

Khi quyết định chơi lễ tại gia, Như Ý đã lên danh sách một số việc nên làm để không phung phí thời gian vào việc ngủ hay bấm điện thoại.

Trong những ngày đầu nghỉ lễ, cô đã chở cún cưng đi loanh quanh khu mình sống, dọn dẹp nhà cửa, ôn luyện tiếng Anh và chạy bộ. Ý thừa nhận đây là những việc bản thân thường “tặc lưỡi cho qua”, bởi đi làm về là cô chỉ muốn về phòng nghỉ ngơi.

“Tôi đang hướng đến lối sống kỷ luật, tích cực hơn nên 5 ngày nghỉ có thể là bước đệm để tôi hiện thực hóa mong muốn”, Ý bày tỏ.

Trong khi đó, Nhật Nam lại tận hưởng “me time” theo cách rất khác. Cô cho biết mình thường mở YouTube lên hát hoặc vừa chơi game, vừa nghe truyện trên mạng.

“Tôi là kiểu người hơi gồng mình khi gặp gỡ người khác, dù đó là bạn bè thân thiết. Tôi hiếm khi thấy thực sự thoải mái, có chăng là cố thể hiện ra ngoài để đối phương vui vẻ. Vì vậy, tôi luôn trân trọng những phút giây được thoải mái làm điều mình thích, đồng thời tận hưởng trọn vẹn niềm vui để hôm sau có sức ‘chinh chiến’ tiếp với công việc”, Nam chia sẻ.

Ngu 5 ngay 5 dem,  5 ngay 5 dem anh 3

Ngại cảnh chen chúc đi chơi, nhiều bạn trẻ dành cả 5 ngày lễ để ở nhà thư giãn, tự “chill” theo cách của mình. Ảnh: Phạm Thắng.

Bên cạnh “ngủ 5 ngày 5 đêm”, nhiều người bày tỏ quyết tâm “đi làm 5 ngày 5 đêm xuyên dịp lễ”, “không đi chơi 5 ngày lễ vì nghèo và phải tăng ca”…

Khánh Lam (sinh sống tại TP.HCM) là một trường hợp chạy deadline bất đắc dĩ. Sau khi bấm quan tâm sự kiện “ngủ 5 ngày 5 đêm”, Lam định bụng sẽ thực hiện đúng theo trào lưu, song lời mời hợp tác dự án của một người bạn đã khiến cô thay đổi toàn bộ kế hoạch nghỉ lễ.

“Đợt này, tôi làm được nhiều thứ mà tôi chưa bao giờ dám thử. Tôi đang học để lấy một số chứng chỉ, đồng thời mở lớp ôn thi THPT cho học sinh lớp 9”, Lam chia sẻ với Znews.

Ngoài thời gian làm việc, Lam cùng gia đình tự tạo niềm vui ngày lễ bằng cách tổ chức đánh cầu lông cùng nhau vào khoảng 17h ngày cuối tuần. Với Lam, dịp lễ 30/4-1/5 có thể trọn vẹn theo nhiều cách – quan trọng là khoảng thời gian chất lượng bên những người thân yêu.

  • Bánh crookie ‘gây bão’ khắp thế giới

    Giới trẻ xếp hàng dài bên ngoài các tiệm bánh ngọt để mua những món tráng miệng lai tạo “hot trend” trên TikTok, tạo ra một cơn lốc Mỹ giữa thế giới bánh ngọt Pháp.

  • Hà Lê không còn ‘Ở trọ’

    Trong album mới nhất “Đơn sơ”, Hà Lê cho thấy sự trưởng thành trong tâm hồn khi thực hiện một concept về gia đình và sự chữa lành, kết hợp với chất liệu âm nhạc mới mẻ.


Cùng chuyên mục