Rủi ro của đế chế LVMH khi rót 163 triệu USD vào Olympic 2024

Khoản đầu tư của LVMH để đưa các thương hiệu xa xỉ Louis Vuitton, Chaumet hay Berluti vào Olympic Paris 2024 có thể đối mặt với những rủi ro về an ninh và môi trường.

Olympic Paris 2024,  The van hoi 2024,  The van hoi,  tin tuc Olympic,  znews the van hoi,  de che LVMH,  Antoine Arnault la ai, anh 1

Tập đoàn xa xỉ LVMH đánh cược lớn khi đầu tư 150 triệu euro vào Olympic Paris 2024. Ảnh: Louis Vuitton.

Ngày 26/7, dự kiến khoảng 1,5 tỷ người trên khắp thế giới sẽ hướng về Paris (Pháp), nơi diễn ra lễ khai mạc Thế vận hội 2024. Đây không chỉ là sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, mà còn là sân khấu để đế chế hàng xa xỉ của Pháp LVMH phô diễn sức mạnh sáng tạo và tầm ảnh hưởng.

Với khoản đầu tư 150 triệu euro (hơn 163 triệu USD), tập đoàn đóng vai trò là “đối tác sáng tạo” của Olympic Paris 2024.

Không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để quảng bá hình ảnh, Thế vận hội năm nay phủ sóng bởi rương đựng đuốc của Louis Vuitton, huy chương Chaumet, đồng phục Berluti của đội tuyển Pháp và chuỗi hoạt động tiếp thị của Sephora, theo The New York Times.

Olympic Paris 2024,  The van hoi 2024,  The van hoi,  tin tuc Olympic,  znews the van hoi,  de che LVMH,  Antoine Arnault la ai, anh 2

Tony Estanguet (trái), chủ tịch ban tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic, chụp hình cùng “thái tử đế chế LVMH” Antoine Arnault. Ảnh: Teresa Suarez/EPA.

Antoine Arnault, con trai cả của tỷ phú Bernard Arnault, Giám đốc điều hành kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị LVMH, khẳng định đây là cam kết lớn nhất từ trước đến nay của tập đoàn.

“Chúng tôi muốn tạo ra điều chưa từng có tiền lệ”, Arnault nhấn mạnh.

Tuy nhiên, việc biến Olympic thành “quảng cáo xa xỉ” tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chỉ còn vài ngày nữa là đến lễ khai mạc, áp lực đè nặng lên vai LVMH ngày càng lớn. Bất kỳ sơ suất nhỏ nào, như vấn đề an ninh, đình công hay thời tiết xấu cũng có thể phá hỏng buổi lễ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của tập đoàn.

“Đây là một canh bạc đầy rủi ro”, Arnault thừa nhận. Ông hiểu rằng chỉ có một cơ hội duy nhất để tạo ấn tượng tốt với công chúng và khẳng định vị thế của LVMH trong làng thể thao thế giới. Nếu lễ khai mạc thất bại, đó sẽ là một đêm dài đầy thất vọng cho tập đoàn.

Ban đầu, LVMH không chủ động tìm kiếm vị trí nhà tài trợ chính. Nhưng khi một đối tác lớn rút lui, cơ hội đã mở ra cho tập đoàn.

“Với tư cách là một người hâm mộ thể thao, một khán giả trung thành của Thế vận hội, tôi nghĩ rằng việc đảm nhận vai trò đối tác sáng tạo của sự kiện thể thao quốc gia với tư cách là tập đoàn hàng đầu nước Pháp là điều cần thiết và hiển nhiên đối với tập đoàn”, Arnault chia sẻ.

Năm nay, Louis Vuitton đã trở lại tài trợ cho America’s Cup, giải đua thuyền buồm danh giá nhất thế giới, sau 7 năm vắng bóng. Đây là một phần trong chiến lược thể thao hóa thương hiệu của LVMH, nhằm tiếp cận gần hơn với giới mộ điệu thể thao và khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành xa xỉ.

Sự lớn mạnh của LVMH cũng khiến tập đoàn trở thành mục tiêu của những lời chỉ trích. Điển hình là vụ việc người biểu tình phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu đã xông vào trụ sở LVMH trên đại lộ Montaigne (Paris, Pháp) vào tháng 4 năm ngoái.

Trước đó, LVMH và CEO Bernard Arnault cũng từng bị chỉ trích khi cam kết đầu tư 226 triệu USD để phục hồi Nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ hỏa hoạn năm 2019.

Olympic Paris 2024,  The van hoi 2024,  The van hoi,  tin tuc Olympic,  znews the van hoi,  de che LVMH,  Antoine Arnault la ai, anh 5

Huy chương Olympic được thiết kế bởi Chaumet. Ảnh: Thibault Camus.

“Chúng tôi làm bất cứ điều gì cũng bị nhận rất nhiều lời chỉ trích xung quanh. Đó gần như là một phần của lối sống Pháp”, Arnault cho biết. Tuy nhiên, việc LVMH tham gia Thế vận hội lại không vấp phải nhiều ý kiến trái chiều như dự đoán.

Bên cạnh những kỳ vọng và sự hào hứng, Thế vận hội Paris 2024 cũng đối mặt với không ít thách thức.

Người dân tại kinh đô ánh sáng đang trải qua một mùa hè đầy khó khăn với tình trạng giao thông tắc nghẽn và an ninh thắt chặt. Đặc biệt, vấn đề ô nhiễm sông Seine đã gây ra nhiều lo ngại về chất lượng nước cho các sự kiện bơi lội. Tình trạng ô nhiễm này còn dẫn đến những cuộc biểu tình và phản đối trên mạng xã hội, tạo thêm áp lực cho ban tổ chức.

Trước những thách thức này, LVMH vẫn thể hiện sự lạc quan và tin tưởng vào thành công của Thế vận hội.

“Với 150 triệu euro đã đầu tư, hãy để chúng tôi góp phần giúp sự kiện này diễn ra tốt đẹp. Chúng tôi sẽ nói về Los Angeles (California, Mỹ) sau”, Arnault nói trong một phát biểu gần đây.

  • Toan tính của Hermès khi tới Ivy League

    Nhà mốt xa xỉ Pháp muốn thâm nhập vào thị trường tiềm năng và ít khai thác hơn, như ĐH Princeton, ngôi trường danh giá tại một trong những thị trấn giàu có nhất nước Mỹ.

  • 11 ‘dấu hiệu’ của một người giàu ở Trung Quốc

    Thay vì phô trương vật chất, định nghĩa “giàu có” với người trẻ Trung Quốc là thưởng thức ẩm thực cao cấp, chăm sóc sắc đẹp định kỳ, thời trang xa xỉ bền vững…


Cùng chuyên mục