Thế hệ kiệt sức mới

Nhiều người trẻ 13-17 tuổi ở Mỹ chịu áp lực phải trở nên năng suất, dẫn đến tình trạng căng thẳng và kiệt sức, khác với định kiến “thế hệ trẻ lười biếng, dùng điện thoại cả ngày”.

Kiệt sức và căng thẳng không còn chỉ là tình trạng phổ biến ở người trưởng thành. Ảnh minh họa: Stocksy.

Jayden Dial, một học sinh trung học Mỹ, vừa làm podcast, tham gia sự kiện trường, vừa làm phim, trong khi vẫn phải hoàn thành bài vở và chuẩn bị hồ sơ đại học. Dù bận rộn, cô vẫn cảm thấy mình làm chưa đủ.

Ở tuổi 18, khi xem các bạn đồng trang lứa khoe về lịch trình dày đặc trên YouTube, Jayden càng cảm thấy áp lực phải cố gắng hơn. Nỗi lo về năng suất này không quá xa lạ với nhiều người trưởng thành.

Tuy nhiên, theo báo cáo gần đây của Common Sense Media, tổ chức phi lợi nhuận chuyên đánh giá, xếp hạng về các phương tiện truyền thông, và các nhà nghiên cứu từ Đại học Harvard và Đại học Indiana (Mỹ), áp lực này đã lan đến giới trẻ.

Trong số 1.545 thanh thiếu niên được khảo sát, 56% cảm thấy họ cần có một “kế hoạch” cho tương lai và 53% cảm thấy áp lực phải đạt được thành tích xuất sắc, Vox đưa tin.

nguoi tre kiet suc,  tuoi thanh thieu nien,  the he kiet suc,  ap luc thanh cong,  nguoi My anh 3

Thế hệ trẻ thực chất không lười biếng như nhiều người vẫn nghĩa. Ảnh minh họa: Alex Qian/Pexels.

Áp lực thành công từ sớm

Không giống như định kiến về một thế hệ trẻ lười biếng, ích kỷ và chỉ biết xem video suốt ngày, thực tế, nhiều người trẻ đang hy sinh sức khỏe tâm thần và thể chất để theo đuổi thành công.

Họ bỏ bê việc chăm sóc bản thân, như ngủ đủ giấc hay gặp gỡ bạn bè, chỉ vì không cảm thấy năng suất.

Hơn 1/4 số thanh thiếu niên được khảo sát thừa nhận họ cảm thấy kiệt sức, ví mình như “cỗ máy bị lạm dụng trong nhà máy” và không còn thấy mục đích sống.

Báo cáo cho thấy những áp lực này có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trầm cảm, lo âu và buồn bã ngày càng tăng trong giới trẻ. Dù nhiều người đổ lỗi cho điện thoại thông minh và mạng xã hội, vấn đề thực tế còn sâu xa hơn.

Người trẻ đang sống trong một xã hội quá đề cao thành tích, trong khi những mục tiêu thành công cơ bản như có nhà hay có việc làm ổn định ngày càng khó đạt được. Thêm vào đó, giá cả từ thực phẩm đến nhà ở leo thang cũng đặt ra nhiều thách thức.

Mạng xã hội còn khiến vấn đề trầm trọng hơn khi là nền tảng dễ để giới trẻ liên tục so sánh bản thân với những người “thành công”.

nguoi tre kiet suc,  tuoi thanh thieu nien,  the he kiet suc,  ap luc thanh cong,  nguoi My anh 4

Nếu không làm gì đó, nhiều người trẻ cảm thấy như mình đang kém năng suất hay thậm chí sai trái. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels.

Emily Weinstein, Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển Kỹ thuật số Harvard kiêm tác giả chính của nghiên cứu, cho biết ban đầu, nhóm nghiên cứu tập trung vào tác động của công nghệ đến sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên.

Tuy nhiên, chính các bạn trẻ đã đề nghị mở rộng phạm vi nghiên cứu để xem xét mọi khía cạnh trong cuộc sống của họ. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu đã khảo sát thanh thiếu niên 13-17 tuổi trên toàn nước Mỹ về 6 nguồn áp lực chính: kế hoạch tương lai, điểm số và thành tích, ngoại hình, đời sống xã hội, tình bạn và hoạt động xã hội.

Các đối tượng khảo sát đến từ nhiều vùng miền và tầng lớp kinh tế khác nhau. Các nhà nghiên cứu cũng đặc biệt tiếp cận các thanh thiếu niên da màu và thuộc LGBTQ+.

Nghiên cứu phát hiện rằng trẻ em từ gia đình có thu nhập cao thường chịu áp lực về thành tích nhiều hơn. Tuy nhiên, sự khác biệt về áp lực không đáng kể theo chủng tộc.

nguoi tre kiet suc,  tuoi thanh thieu nien,  the he kiet suc,  ap luc thanh cong,  nguoi My anh 7

Những áp lực về thành công và năng suất chủ yếu đến từ những người trưởng thành. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels.

Áp lực chính đến từ người lớn

Kết quả nghiên cứu cho thấy giới trẻ lo lắng về điểm số và kế hoạch nghề nghiệp nhiều hơn là chuyện bạn bè hay ngoại hình. Weinstein nói rằng cảm giác phải có kế hoạch cho tương lai và cần bắt đầu thực hiện ngay là chủ đề nổi bật trong nghiên cứu.

Bà kể về một cựu cố vấn thanh thiếu niên từng lo lắng vì tham gia LinkedIn quá muộn, dù khi đó cô vẫn còn học đại học.

Mạng xã hội cũng góp phần vào áp lực này.

“Trước đây, bạn chỉ thấy những đứa trẻ tài năng xuất chúng trên TV. Giờ lướt TikTok, bạn có thể thấy cả chục người như vậy”, Dial nói.

Tuy nhiên, thanh thiếu niên cho biết áp lực lớn nhất đến từ người lớn như cha mẹ, giáo viên và huấn luyện viên, theo Sara Konrath, đồng tác giả nghiên cứu và giáo sư chuyên về nghiên cứu các hoạt động từ thiện tại Đại học Indiana Indianapolis (Mỹ).

Có thể người lớn đang cố gắng giúp đỡ, nhưng lại không nhận ra chính mình đang vô tình thúc đẩy những thái độ và hành vi thiếu lành mạnh ở người trẻ như bỏ qua việc ngủ nghỉ, tập thể dục hay sở thích cá nhân.

Một học sinh lớp 11 nói với các nhà nghiên cứu rằng bạn yêu thích đọc sách, nhưng đôi khi lại tự hỏi liệu mình có đang lãng phí thời gian không. Nhiều người trẻ còn có cảm giác tội lỗi khi nghỉ ngơi. Nếu không cố gắng hay không làm gì đó có năng suất, họ thấy việc đó gần như là sai trái về mặt đạo đức.

nguoi tre kiet suc,  tuoi thanh thieu nien,  the he kiet suc,  ap luc thanh cong,  nguoi My anh 8

Nhiều thanh thiếu niên thấy tội lỗi khi nghỉ ngơi. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels.

Những thái độ này có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức, tương tự 27% thanh thiếu niên trong nghiên cứu đã trải qua. Kiệt sức được mô tả là cảm giác mệt mỏi về tinh thần, hoài nghi và không tin rằng nỗ lực của mình có giá trị.

Các cuộc thảo luận công khai về tình trạng kiệt sức thường tập trung vào người lớn. Ví dụ, bài viết nổi tiếng của Anne Helen Petersen vào năm 2019 trên BuzzFeed mang tên How Millennials Became The Burnout Generation (Cách Thế hệ Millennials trở thành thế hệ kiệt sức) nói về những người ở độ tuổi 20 và 30.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Common Sense Media, nhiều thanh thiếu niên cảm thấy họ cũng thuộc về thế hệ kiệt sức. Họ đang trải qua những tác động tiêu cực tương tự như người lớn như mệt mỏi, mất hứng thú với những hoạt động từng mang lại niềm vui và có nguy cơ cao mắc trầm cảm.

Nghiên cứu không chỉ giúp hiểu rõ hơn về những vấn đề sức khỏe tâm thần của giới trẻ mà còn giải thích lý do nhiều thanh thiếu niên không đạt được các cột mốc như hẹn hò hay có bằng lái xe như các thế hệ trước. Konrath cho hay họ có thể đang trưởng thành theo nhiều cách khác vì phải học cả ngày và làm bài tập về nhà trong nhiều giờ.


Cùng chuyên mục