Đến chiều 9/11, Ngày xưa có một chuyện tình đạt doanh thu hơn 34 tỷ đồng. Cùng thời điểm, bộ phim tranh giải Phim truyện dài ở Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội.
Trịnh Đình Lê Minh, đạo diễn của Ngày xưa có một chuyện tình thừa nhận doanh thu của phim chưa như kỳ vọng. Nhưng với tư cách một đạo diễn, điều anh quan tâm nhất là chất lượng. Anh hy vọng Ngày xưa có một chuyện tình đi chậm và chắc, tiếp cận khán giả theo cách bình yên, nhẹ nhàng, cảm xúc nhất.
‘Ngày xưa có một chuyện tình’ đi chậm mà chắc
– Khi “Ngày xưa có một chuyện tình” tranh giải Phim truyện dài, đã có nhiều ý kiến thắc mắc tại sao là bộ phim này khi doanh thu chưa quá bùng nổ mà không phải những dự án nổi tiếng khác như Lật mặt, Mai… Anh trả lời sao với câu hỏi đó?
– Theo thể lệ của Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội, các phim tranh giải năm nay phải chưa được dự giải ở liên hoan phim nào khác. Các phim như Mai, Lật mặt… đều tham gia rồi. Thứ hai, việc một phim tham gia LHP còn phụ thuộc vào yếu tố thời điểm nữa. Ngoài ra, hội đồng tuyển chọn có thể nhìn thấy điều gì đó sáng lên trong bộ phim, chẳng hạn một câu chuyện rất Việt Nam, phù hợp với thông điệp của LHP lần này.
Tôi rất vui khi có cơ hội được đi giao lưu và xem phim của các nước khác. Đó là điều quan trọng nhất với tôi. Việc tham gia Liên hoan Phim quốc tế nằm ngay tuần thứ 3 phim ra rạp. Hy vọng đó là một cú huých để khán giả ra rạp xem phim nhiều hơn. Với cá nhân tôi, đây là sự ghi nhận của ban giám khảo, do đó tôi rất vui mừng. Việc thắng giải hay không cũng không sao.
– Sự ghi nhận nào với anh là quan trọng nhất, giữa ban giám khảo hoặc khán giả được thể hiện thông qua doanh thu?
– Tôi nghĩ còn cần xét đến mục tiêu mà mỗi ê-kíp hướng tới. Có những phim hướng đến mục tiêu tham gia tranh giải ở các liên hoan phim, có những phim lại tập trung vào yếu tố thị trường, doanh thu.
Ngày xưa có một chuyện tình là bộ phim của nhà sản xuất và họ đặt mục tiêu tiếp cận khán giả càng nhiều càng tốt. Con đường của một bộ phim có thể đi chậm mà chắc. Đó đang là hướng đi của bộ phim này dựa trên kết quả phòng vé và tình hình sắp tới. Tôi hy vọng phim có thể chiếu lâu dài và khán giả xem phim với tâm thế bình thản, từ từ sau đó họ lan truyền, chia sẻ với nhau về phim.
– Doanh thu hiện tại đã như kỳ vọng ban đầu của anh chưa?
– Doanh thu hiện tại với nhà sản xuất có thể chưa như kỳ vọng đâu nhưng nó đang đi dần đến đích đến. Hiện tại, tôi chưa tổng kết con số cụ thể nên cũng chưa biết lỗ hay lãi.
Hơn nữa, tôi là đạo diễn nên để tâm tới doanh thu ở mức độ vừa phải. Tôi nghĩ với vai trò đạo diễn, điều quan trọng đầu tiên là phải làm ra một bộ phim tốt. Còn về phần doanh thu, tôi sẽ cố gắng hết sức để nhà sản xuất họ đảm bảo được trước hết huề vốn.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh trong buổi giới thiệu phim. Ảnh: FBNV. |
– Có ý kiến cho rằng phim của anh đôi chỗ lê thê, hơi dài dòng, nặng về thoại. Anh nghĩ sao về nhận xét đó?
– Bộ phim khi ra rạp đã là bản tốt nhất dựa trên tổng quan về mặt nghề nghiệp, tầm nhìn của đạo diễn cộng thêm góc nhìn từ nhà sản xuất và khảo sát ý kiến khán giả. Với mỗi khán giả, nhà phê bình hay ngay cả những nhà làm phim, họ đều có góc nhìn của riêng mình. Đạo diễn, nhà sản xuất sẽ phải chấp nhận việc chỉ có thể đưa ra phiên bản tốt nhất của chính mình tại thời điểm đóng gói bộ phim.
– So với “Mắt biếc”, một bộ phim cũng được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, “Ngày xưa có một chuyện tình” đang đi chậm hơn nhiều. Theo anh, lý do là gì?
– Mắt biếc được sáng tác từ rất lâu của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nên có độ nhận diện rất cao. Hơn nữa, yêu cầu xem phim của khán giả ở thời điểm 5 năm trước và hiện tại đã rất khác nhau. Tôi vẫn làm những bộ phim rất thật và chân thành đối với bản thân tôi. Đó là công việc tôi rất thích.
Còn việc đoán được khán giả thích gì hay không lại là câu chuyện khác. Sản phẩm tiêu dùng có thể test nhiều vòng và biết được sản phẩm có phù hợp với nhu cầu khán giả hay không. Còn một kịch bản thì không thể test như mì ăn liền được. Đó là điều chúng tôi phải chấp nhận bởi dù sao phim ảnh cũng là nghệ thuật, văn hóa nên trước hết người sản xuất phải yêu lấy bộ phim của chính mình thì sau đó nó mới thuyết phục được khán giả.
Về câu chuyện doanh thu, rất nhiều nhà sản xuất đã thất bại, nhưng có những người đã thành công. Khẩu vị của khán giả đã khó đoán hơn rất nhiều.
– Cụ thể, xu hướng của khán giả với điện ảnh Việt đã thay đổi như thế nào trong 5 năm qua?
– Chúng ta đã trải qua một giai đoạn Covid-19 nên cách khán giả chọn phim đã rất khác. Ngày xưa, khán giả có thể chọn ra rạp xem phim như một cách giải trí nhưng giờ đây họ ở nhà xem qua nhiều nền tảng khác nhau. Họ ra rạp một cách chọn lọc hơn. Dẫn đến, ở màn ảnh Việt năm qua, có những phim thu được rất nhiều tiền nhưng có những dự án thất bại. Số lượng phim cũng giảm hẳn.
Sau 5 năm, chúng ta cũng có lượng lớn khán giả trẻ. Các bạn trẻ đầu Gen Z với cuối Gen Z cũng đã rất khác nhau về mối quan tâm, xu hướng…
“Trấn Thành, Lý Hải là ngôi sao của thị trường”
– Như anh nói, có những phim lên tới hàng trăm tỷ đồng doanh thu, nhưng có những phim phải rút rạp trong tình trạng lỗ vốn, chỉ bán được vài vé mỗi ngày. Sự chênh lệch quá lớn này có ảnh hưởng gì tới thị trường không?
– Nó không tác động gì cả, mà chỉ phản ánh thực tế làm phim không phải việc dễ, nhà nhà có thể làm được. Làm phim đòi hỏi sự bài bản, thấu hiểu thị trường, chăm chút và kỹ lưỡng từ nhà sản xuất lẫn toàn bộ ê-kíp sản xuất phim. Nó không phải cuộc chơi mà cần sự nghiêm túc, đầu tư, tâm huyết rất lớn.
Nó cũng cho thấy quyền lực của các ngôi sao bởi phải có các ngôi sao đó mới có thể kéo được một bộ phận khán giả vốn không bao giờ ra rạp đã đến xem phim. Đó là một chuyện tốt.
– Những ngôi sao anh muốn nói tới là Trấn Thành, Lý Hải? Anh nghĩ sao về việc 2 đạo diễn kể trên đang gần như thâu tóm thị trường điện ảnh Việt?
– Tôi thấy đó là việc rất bình thường. Họ là những ngôi sao của thị trường và nền công nghiệp điện ảnh cần những ngôi sao như vậy. Hai anh làm phim có thể có điểm này, điểm kia nhưng không thể phủ nhận được các anh có sự thấu hiểu khán giả rất lớn. Phim của các anh luôn tiếp cận được số đông, khán giả bình dân, những người có nhu cầu chia sẻ cảm xúc. Phim của họ có sự bài bản, kỹ lưỡng và đó là điều để các đạo diễn phát triển bản thân hơn.
Ngày xưa có một chuyện tình được khán giả đón nhận nhưng doanh thu chưa như kỳ vọng. Ảnh: NSX. |
– Anh ở đâu trong thị trường đó?
– Tôi không có vấn đề gì với việc mọi người đạt được kỷ lục doanh thu. Mục tiêu của tôi cũng như chủ đề thảo luận gần đây của Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội là bản sắc. Tôi hy vọng tiếp tục giữ được bản sắc và không làm nhà đầu tư, sản xuất bị lỗ. Tôi có thể làm phim trong tâm thế bình thản, thư thái và có cảm xúc dành cho đối tượng khán giả riêng của mình. Nó vẫn là số đông nhưng có thể số đông đó chưa đạt đến mức độ đại trà như những đạo diễn khác.
Tôi vẫn bình tâm thôi bởi một nền điện ảnh cần những thể loại khác nhau và tôi sẽ không vì thành công của người khác mà sốt ruột.
– Phim của anh được đánh giá cao về tính nghệ thuật nhưng thường không bùng nổ về doanh thu phòng vé, anh thực sự chưa bao giờ trăn trở?
– Tôi có trăn trở chứ bởi dù sao tôi cũng có mục tiêu là không để các nhà đầu tư, sản xuất bị lỗ. Chẳng hạn những bộ phim đầu tiên, doanh thu không được như kỳ vọng và mất rất nhiều thời gian để bù lại kinh phí đầu tư thông qua các kênh khác nhau.
Nhưng dĩ nhiên, tôi không bao giờ quá cố gắng để đạt doanh thu đột phá. Mục tiêu của tôi khi làm việc với nhà sản xuất là làm được những dự án tốt nhất. Còn sau đó, nhà sản xuất, đầu tư vẫn tin tưởng thì tôi không có gì phải lấy làm ngại ngùng cả.
– Theo anh, hiện tại điện ảnh Việt thiếu gì?
– Thiếu những rạp chiếu dành cho phim độc lập và phim nghệ thuật. Đó là dòng phim rất ít suất trong thời gian đầu và cần duy trì dài trong nhiều tháng. Thứ hai, thiếu thể loại phim, có thể nói là “điểm tử huyệt” của điện ảnh Việt, chẳng hạn Fantasy, Sci-Fi film (khoa học viễn tưởng)… Phim Việt hiện tại chủ yếu là drama, phim hài, kinh dị…
Mình không thể tập trung vào một số thể loại phim như vậy được mà cần có thể loại mới. Thị trường Việt đang khả quan nhưng vẫn cần phát triển nhiều.