Nghiên cứu cho thấy người dân thành thị Trung Quốc hiện tham gia trung bình 3,4 môn thể thao khác nhau. Ảnh minh họa: Xiaohongshu. |
Với phương châm “thư giãn, đạp xe, cà phê”, câu lạc bộ b15cCLUB do Zha Xianyao, chuyên gia bất động sản tại Thượng Hải (Trung Quốc), sáng lập, đã thu hút hơn 1.000 thành viên.
Thành lập từ tháng 8/2022, câu lạc bộ quy tụ những người trẻ độ tuổi 25-40 đến từ Thượng Hải, Hàng Châu, Hạ Môn (Trung Quốc), thậm chí là Sydney (Australia).
b15cCLUB tổ chức đa dạng hoạt động, từ những buổi đạp xe chụp ảnh giữa tuần đến các sự kiện theo chủ đề Halloween, Giáng sinh.
“Chúng tôi không chú trọng vào cạnh tranh hay lợi nhuận mà muốn tạo ra một không gian để mọi người kết nối”, Zha chia sẻ.
Sự phát triển của những câu lạc bộ này phản ánh xu hướng “xã hội hóa thể thao” đang nở rộ tại Trung Quốc.
Báo cáo Xu hướng Phong cách sống Ngoài trời năm 2023 của Xiaohongshu ghi nhận số bài viết về đạp xe đã tăng gần 400% trong 10 tháng đầu năm, đạt hơn 1,8 triệu lượt đăng và gần 1,3 tỷ lượt xem, theo China Daily.
Zha Xianyao và câu lạc bộ đạp xe b15cCLUB do anh sáng lập. Ảnh: China Daily. |
Tìm thấy ‘nửa kia’ nhờ thể thao
Bộ môn yoga cũng trở thành cầu nối cho người dân tại quốc gia này.
Ding Dong (40 tuổi, Thiên Tân, Trung Quốc) tìm thấy niềm vui tập luyện và kết nối bạn bè tại các studio yoga hiện đại.
Lấy cảm hứng từ các phòng tập tiên phong tại Bắc Kinh (Trung Quốc), những phòng tập này được thiết kế như một không gian giao lưu mở, với khu vực tiếp khách chung, nhóm trò chuyện trực tuyến và cộng đồng do huấn luyện viên dẫn dắt.
“Đây là giải pháp kết nối hiệu quả cho những người bận rộn. Không khí rất thoải mái. Chúng tôi có thể trò chuyện trước hoặc sau buổi tập về cuộc sống hay sở thích chung”, nhân viên làm trong lĩnh vực tài chính, người duy trì lịch tập 7 buổi/tuần, chia sẻ.
Không chỉ là nơi rèn luyện sức khỏe và kết nối bạn bè, phòng tập thể thao còn có thể se duyên cho những mối tình đẹp. Mới đây, một câu chuyện tình yêu đã “đơm hoa kết trái” tại một phòng tập CrossFit ở Thiên Tân, khi hai thành viên nên duyên vợ chồng sau những buổi tập luyện chung.
Ding Dong duy trì lịch tập yoga 7 buổi/tuần. Ảnh: China Daily. |
Theo Ding Dong, xã hội hóa thể thao đang trở thành xu hướng kết nối mới dành cho những người bận rộn nơi đô thị.
Bản thân cô cũng tìm thấy nhiều mối quan hệ ý nghĩa thông qua yoga. Sau 4 năm gắn bó, chị đang tập trung nhiều hơn vào lợi ích thể chất của bộ môn này, nhưng vẫn luôn cởi mở với những người bạn mới.
“Ở độ tuổi của tôi, tôi trân trọng những mối quan hệ sâu sắc hơn. Tuy nhiên, những tình bạn như vậy không dễ tìm. Tôi vẫn muốn tập trung vào việc luyện tập, đồng thời chờ đợi những mối nhân duyên phù hợp”, Ding bộc bạch.
Pickleball nổi lên như một hiện tượng nhờ lối chơi đơn giản, dễ tiếp cận và đề cao tính tương tác. Ảnh minh họa: @constantlytiredyin. |
‘Cơn sốt’ pickleball
Bên cạnh những môn thể thao quen thuộc như đạp xe, yoga…, pickleball đang nổi lên như một hiện tượng trong giới trẻ Trung Quốc.
“Pickleball thành công nhờ khả năng kết nối xã hội dễ dàng giữa những người chơi, đặc biệt là thông qua hình thức đánh đôi”, Zhang Xiangxiang, chủ một câu lạc bộ Pickleball ở Chiết Giang (Trung Quốc), nhận định.
Môn thể thao vợt có lối chơi đơn giản, dễ tiếp cận, thu hút người chơi ở mọi lứa tuổi. Tại các câu lạc bộ pickleball, không khó để bắt gặp hình ảnh người chơi 8 tuổi và 65 tuổi cùng chia sẻ sân đấu.
Sự phát triển của pickleball là một minh chứng cho thấy xu hướng xã hội hóa thể thao đang ngày càng phổ biến.
Nghiên cứu về mức độ tham gia thể thao tại đô thị do Skechers, Southern Weekly và Trung tâm Nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố hồi tháng 8 cho thấy người dân thành thị hiện tham gia trung bình 3,4 môn thể thao khác nhau, mỗi buổi tập kéo dài khoảng 50 phút.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghiệp và Tiêu dùng JD, gần 75% người dưới 35 tuổi sẵn sàng kết bạn thông qua hoạt động thể thao. Trong đó, 86,2% người hướng ngoại và 60,8% người hướng nội bày tỏ sự quan tâm đến hình thức giao lưu này.
Báo cáo cũng chỉ ra những lợi ích khác của việc xã hội hóa thể thao, bao gồm cải thiện sức khỏe thể chất (83,4%), mở rộng quan hệ xã hội (72,4%) và phát triển lối sống tích cực (70,4%).
“Dưới ngọn cờ thể thao, chúng ta đang tăng thêm nhiều cách thức kết nối xã hội. Đây là xu hướng tích cực, mang lại nhiều niềm vui hơn cho cuộc sống hiện đại”, Giáo sư Lyu Jidong từ đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải nhận định.