Nhà hàng Cơm Niêu Cku Linh, từng nổi tiếng nhờ sự góp vốn của Quang Linh Vlogs, giờ đây đang chao đảo trước cơn “bão” đánh giá tiêu cực. Những bình luận mỉa mai như “Một đĩa rau muống xào tương đương mấy viên kẹo KERA?” hay “Quán có bán kẹo không?” xuất hiện dày đặc trên các nền tảng mạng xã hội.

Trên Facebook, bài viết của nhà hàng ngày 26/3 ghi nhận hơn 2.000 lượt tương tác, trong đó gần 800 là biểu tượng “phẫn nộ”. TikTok cũng không ngoại lệ, các video giới thiệu món ăn bị “bom” bình luận châm biếm. Ngày 25/3, nhà hàng đã lên tiếng “kêu cứu” vì nhận hàng loạt đánh giá 1 sao, hủy bàn sát giờ, và áp lực truyền thông đè nặng lên hơn 100 nhân viên.
Theo các chuyên gia, đây là bài học đắt giá về rủi ro khi gắn thương hiệu với cá nhân có sức ảnh hưởng. Dù Quang Linh đã chuyển nhượng cổ phần và rút lui, nhà hàng vẫn bị xem là “đồng phạm” trong mắt công chúng. Đặc biệt, khi thương hiệu mới thành lập, chưa kịp xây dựng bản sắc riêng, sự phụ thuộc vào danh tiếng của một người nổi tiếng trở thành “con dao hai lưỡi”.

Chuyên gia Dung Phan và James Dương Nguyễn nhận định, hợp tác với KOL, KOC trong ngành F&B là “canh bạc” đầy rủi ro. Dù mang lại hiệu quả truyền thông nhanh chóng, nhưng nếu không kiểm soát tốt, doanh nghiệp có thể “gánh” hậu quả từ scandal của đối tác. “Người tiêu dùng ngày càng tỉnh táo, việc phụ thuộc vào một cá nhân là chiến lược nguy hiểm”, ông James nhấn mạnh.

Báo cáo ngành F&B Việt Nam cho thấy, 17,1% chủ thương hiệu lựa chọn hợp tác với reviewer ẩm thực trong năm 2024. Tuy nhiên, niềm tin vào các KOL, KOC đang giảm sút do trải nghiệm thực tế không như quảng cáo. Thay vào đó, nhiều doanh nghiệp chuyển sang kiểm soát kênh truyền thông riêng, xây dựng cộng đồng trung thành và đầu tư vào chất lượng sản phẩm.

“Dù có quảng bá tốt đến đâu, nếu chất lượng không đảm bảo, khách hàng sẽ không quay lại”, ông James khẳng định. Câu chuyện của Cơm Niêu Cku Linh là lời cảnh tỉnh cho các thương hiệu F&B: Đừng để danh tiếng của một người quyết định số phận của cả doanh nghiệp.