Ngôi sao điền kinh Trung Quốc Wu Yanni thường xuyên bị chỉ trích vì trang điểm đậm. Ảnh: The Paper. |
Hồi tháng 11, Wu Liufang, cựu VĐV thể dục dụng cụ đã giải nghệ từ năm 2014, gây xôn xao khi tranh cãi công khai với đồng môn Guan Chenchen, người cho rằng các video “câu view” của Wu đang làm tổn hại danh tiếng của môn thể dục dụng cụ.
Vài ngày sau, kình ngư Liu Xiang cũng lên tiếng đáp trả những bình luận cho rằng những bức ảnh mặc đồ bơi của cô là nhằm thu hút sự chú ý, SCMP đưa tin.
Những tranh cãi xoay quay việc các nữ VĐV đăng tải nội dung gợi cảm đã phản ánh định kiến văn hóa và giới tính trong thể thao Trung Quốc. Ngay cả khi đã giải nghệ, họ vẫn phải đối mặt với áp lực từ công chúng và các chuẩn mực truyền thống.
Chuyện gì đã xảy ra?
Sau khi thử qua nhiều công việc, như làm giáo viên và huấn luyện viên thể dục dụng cụ, Wu (29 tuổi) chia sẻ rằng hoàn cảnh gia đình buộc cô phải tìm cách tự lập tài chính. Quyết định trở thành người nổi tiếng trên mạng giúp cô trang trải cuộc sống, đặc biệt sau những năm tháng cống hiến cho đội tuyển Trung Quốc.
Hàng loạt clip nhảy sexy của Wu Liufang tạo ra những cuộc tranh cãi trên MXH. Ảnh: Douyin. |
Wu hiện đăng tải các video nhảy múa trên mạng xã hội. Những nội dung này, dù bị đánh giá là “gợi cảm”, vẫn tuân thủ quy định kiểm duyệt nghiêm ngặt tại Trung Quốc. Cuộc tranh cãi giữa cô và Guan Chenchen từng khiến tài khoản của Wu bị khóa tạm thời. Tuy nhiên, khi được mở lại, lượt theo dõi của cô trên Douyin tăng vọt từ 50.000 lên hơn 6,3 triệu.
Cùng thời điểm, cựu VĐV đấu kiếm Qin Xue cũng đối mặt với những chỉ trích liên quan đến hình ảnh “hở hang” trên mạng xã hội. Qin, hiện là giảng viên tại Đại học Trùng Khánh, cho biết cô đăng tải những bài viết này để kiếm tiền nuôi con.
Ngôi sao điền kinh Wu Yanni, hiện vẫn đang thi đấu, cũng liên tục vấp tranh cãi bị dân mạng chỉ trích vì trang điểm đậm, xăm mình, phẫu thuật thẩm mỹ.
“Cơ thể của VĐV là biểu tượng quốc gia”
Trên mạng xã hội, các ý kiến chia rẽ xoay quanh những vấn đề này, với những chủ đề liên quan được xem hàng trăm triệu lần. Mặc dù tất cả VĐV đều có lượng người theo dõi lớn, nhiều người cho rằng hành động của họ làm giảm uy tín của môn thể thao mà họ đại diện.
Bàn về vấn đề này, Ivy Wong Wang, phó giáo sư trong chương trình nghiên cứu giới tại Đại học Trung Quốc ở Hong Kong, cho rằng trong bối cảnh văn hóa Trung Quốc, phụ nữ và trẻ em gái thường được kỳ vọng phải giữ hình ảnh “trong sáng, thuần khiết và đúng mực”, do đó việc ăn mặc “gợi cảm” bị coi là không phù hợp.
Điều này dẫn đến một câu hỏi về sự phù hợp trong hành vi: Liệu các VĐV, với vai trò là biểu tượng của sự kỷ luật và chuyên môn, có thể chia sẻ những hình ảnh “gợi cảm” hay không? Đây không chỉ là vấn đề về giới, mà còn liên quan đến cách xã hội định nghĩa thế nào là phù hợp với một VĐV.
Cựu VĐV đấu kiếm Qin Xue cũng vướng tranh cãi vì các bài đăng mạng xã hội của mình. Ảnh: Weibo. |
“Một lý do khác là các VĐV, đặc biệt là phái nữ, nhận thức được rằng việc đăng ảnh mặc đồ bơi hoặc nhảy múa có thể khiến người khác nhìn họ dưới góc độ bị khách quan hóa về mặt giới tính”, bà chia sẻ.
Ngay cả khi các nữ VĐV không đồng tình với cách nhìn nhận này, thực tế là các nội dung như vậy thường bị đánh giá qua lăng kính giới hơn là năng lực chuyên môn. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phụ nữ có vẻ ngoài thu hút thường phải đối mặt với sự đánh giá thấp về năng lực, giảm uy tín chuyên môn.
Trong khi đó, thể thao chuyên nghiệp, vốn là một lĩnh vực đòi hỏi hình ảnh chuyên nghiệp và sự cống hiến tuyệt đối. Việc kết hợp giữa một công việc có vị thế cao với hình ảnh “gợi cảm” thường bị xem là mâu thuẫn và gây tranh cãi.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Sonia Wong Yuk-ying, giảng viên nghiên cứu giới tại Đại học Trung Quốc ở Hong Kong, nhận định hiện tượng này không mới, nhưng khi liên quan đến cựu VĐV, những người từng đại diện quốc gia, vấn đề lại trở nên nhạy cảm hơn.
“Thế vận hội và thể thao là một phần quan trọng trong sức mạnh mềm của Trung Quốc. Họ rất tích cực trong việc thể hiện và duy trì uy tín quốc gia thông qua các giải đấu quốc tế. Do đó, cơ thể của các VĐV trở thành biểu tượng của cơ thể quốc gia. Thể thao, đặc biệt là các cuộc thi quốc tế, là điều rất đặc biệt đối với Trung Quốc và trong lòng người dân Trung Quốc”, bà nói.
Mặt khác, cả bà Sonia và bà Ivy đều chỉ ra “tiêu chuẩn kép” khi bàn về cách VĐV nam và nữ được đối xử trên mạng xã hội. Trong khi các VĐV nam thường được ca ngợi khi khoe cơ thể, các VĐV nữ lại ít khi nhận được sự ủng hộ như vậy.
Hạn chế trong việc thể hiện bản thân, bao gồm cả các khía cạnh cá nhân như hình ảnh hoặc quan điểm, đã góp phần làm nổi bật sự khác biệt về giới trong lĩnh vực này.
Tiến sĩ Sonia cũng nhận định các nữ VĐV thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội thăng tiến nghề nghiệp sau khi giải nghệ.
“Ở Trung Quốc, các cơ hội thăng tiến cho phụ nữ, đặc biệt là các cựu VĐV, rất hạn chế. Vì vậy, trở thành một người nổi tiếng trên mạng thường là lựa chọn khả thi hơn để kiếm sống”, bà nói.
Thực tế, ngày càng nhiều VĐV tìm đến mạng xã hội sau khi giải nghệ. Tuy nhiên, việc này có giúp cộng đồng chấp nhận cách các nữ VĐV thể hiện bản thân hay không vẫn còn là điều gây tranh cãi. Cả phó giáo sư Ivy và tiến sĩ Sonia đều tỏ ra hoài nghi về khả năng này, bởi Trung Quốc vẫn có xu hướng ủng hộ và duy trì các giá trị truyền thống của văn hóa.