Không đặt nặng lương thưởng, một số nhân sự chọn rời công ty trước Tết Âm lịch 2025. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Sau nửa tháng đắn đo về quyết định đi hay ở, Việt Trinh (28 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) nhấn nút gửi email xin nghỉ việc ở công ty công nghệ hiện tại. Cô được doanh nghiệp đối thủ chiêu mộ, trả mức lương cao gấp 1,5 lần, đồng thời bổ nhiệm vào vị trí trưởng nhóm thiết kế sản phẩm.
Tuy nhiên, đơn vị này cũng yêu cầu Trinh phải lập tức tiếp quản công việc, bắt đầu đi làm từ giữa tháng 12. Điều này đồng nghĩa với việc cô không nhận được lương tháng thứ 13 và thưởng Tết ở chỗ làm cũ.
Mặc dù tiếc công sức, sự cống hiến trong suốt một năm qua, Trinh vẫn rời đi vì không muốn bỏ lỡ cơ hội việc làm tốt.
“Hơn nữa, ngành này tương đối nhỏ, nhân sự đều quen mặt nhau. Tôi không muốn vừa mang tiếng ‘nhảy’ sang công ty đối thủ vừa bị nói nhận thưởng Tết rồi quay ngoắt rời đi”, Việt Trinh chia sẻ với Tri Thức – Znews.
Trước Tết Nguyên đán, trong khi phần lớn nhân sự ưu tiên “đang ở đâu ngồi yên đó” để chờ thưởng cuối năm, một số vẫn quyết tâm nghỉ việc. Các lý do được đưa ra là công ty không có thưởng Tết, sợ lỡ cơ hội việc làm tốt hoặc ít áp lực kinh tế.
Đây không phải câu chuyện mới, song vẫn được thảo luận trong các hội nhóm nhân sự, tuyển dụng mỗi dịp cuối năm.
Theo chuyên gia, khi dự định xin nghỉ dịp cận Tết, nhân sự cần lường trước tình trạng thất nghiệp kéo dài đến hết năm, chuẩn bị các phương án dự phòng để trang trải sinh hoạt phí.
Quyết định nghỉ việc trước Tết không chờ thưởng cuối năm được một bộ phận người lao động đưa ra. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Không thiết tha thưởng Tết
Giống với Việt Trinh, Tuấn Tú (25 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng dự định “nhảy” việc trong giai đoạn cuối năm. Anh dành phần lớn thời gian ở văn phòng để tìm kiếm vị trí mới do thất vọng với sếp và môi trường làm việc độc hại.
Là chuyên viên kinh doanh, thưởng Tết của Tú phụ thuộc nhiều vào doanh số bán hàng của công ty. Nhận thấy tình hình hoạt động ảm đạm trong năm nay của doanh nghiệp, anh dự đoán rằng khoản thưởng không lớn.
“Thậm chí, tôi có thể không được thưởng Tết”, Tuấn Tú nói.
Như vậy, chuyên viên kinh doanh này không còn lý do để ở lại công ty hiện tại. Tuy nhiên, Tú khẳng định quá trình tìm việc cuối năm không dễ dàng.
Liên tục lướt các mạng xã hội tuyển dụng, song anh vẫn chưa tìm được vị trí ưng ý. Theo khảo sát của Tuấn Tú, số lượng vị trí trống cuối năm tương đối ít. Các vị trí còn trống lại không có mức lương, chế độ đãi ngộ hấp dẫn.
Không quan tâm đến thưởng cuối năm, sẵn sàng “dứt áo ra đi”, nhưng chuyên viên kinh doanh 25 tuổi khó tìm được bến đỗ mới trước Tết.
“Nhiều lần tôi thất vọng tắt mạng xã hội tuyển dụng, tiếp tục với công việc hiện tại, tặc lưỡi cố qua Tết Âm lịch. Dù không cần thưởng, tôi vẫn muốn có công việc ổn định, lo ngại thất nghiệp đúng mùa lễ hội”, Tú chia sẻ.
Minh Hà không gặp áp lực tài chính, sẵn sàng nghỉ việc, không đợi thưởng Tết. |
Khác với Tuấn Tú, Minh Hà (23 tuổi, quận 8, TP.HCM) quyết định nộp đơn xin nghỉ việc vào đầu tháng 12, dự kiến nghỉ ngơi 2 tháng, quay lại với thị trường lao động sau Tết Nguyên đán.
Lý do nghỉ việc của cô ở công ty xuất nhập khẩu hiện tại đến từ thông báo giảm lương của cấp trên. Do tình hình buôn bán của công ty ngày càng khó khăn, vị trí chăm sóc khách hàng của Hà bị cắt giảm tới 25% lương tháng.
Nhận thấy mức thu nhập mới không xứng đáng với công sức bỏ ra, nhân viên văn phòng 23 tuổi quyết tâm xin nghỉ. Cô cho biết vẫn sống cùng bố mẹ, không chịu áp lực lớn về kinh tế, dễ dàng đưa ra quyết định nghỉ việc.
Hơn nữa, bên cạnh công việc văn phòng, Hà cũng kinh doanh online. Bánh kẹo, đồ ăn vặt Trung Quốc mà cô nhập về để bán đặc biệt đắt hàng trong mùa Tết Âm lịch, đem đến cho Minh Hà một khoản thu tốt, đủ để trang trải sinh hoạt phí.
“Cuối năm ngoái, sáng tôi làm việc ở văn phòng, tối về lại kiểm đơn, đóng hàng, chuẩn bị gửi ship. Năm nay, tôi không còn ‘bào sức’ như vậy nữa”, Hà nói.
Cần chuẩn bị, tính toán khi nghỉ việc cuối năm
Từng chia sẻ với Tri Thức – Znews, chuyên gia nhân sự Nguyễn Hùng Cường, thành viên mạng lưới tư vấn của ngành Kế hoạch và Đầu tư (Cục Phát triển doanh nghiệp), cảnh báo nguy cơ thất nghiệp kéo dài đối với nhân sự xin nghỉ cuối năm.
Khác với đầu năm, quý IV thường được xem là giai đoạn “đóng băng” của các vị trí công việc văn phòng. Trong mùa thấp điểm tuyển dụng cuối năm, nhiều doanh nghiệp có xu hướng hạn chế chiêu mộ nhân sự cho các vị trí nòng cốt, vốn đòi hỏi sự chọn lọc kỹ càng.
Đối với nhóm nhân sự nghỉ việc trước Tết, chuyên gia Hùng Cường cho rằng phương án an toàn nhất là có việc chờ sẵn. Nếu không, người lao động nên đưa ra quyết định sớm, từ tháng 10 hay tháng 11, để có thời gian tìm kiếm công việc mới, ổn định trước Tết Âm lịch.
Nhân sự cần tính toán kỹ, có quỹ dự phòng khi nghỉ việc trước Tết, chuẩn bị tinh thần thất nghiệp đến hết năm. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Ngoài ra, người lao động cũng cần tính toán chi phí sinh hoạt, dự phòng cho trường hợp không tìm được việc sớm, kéo dài tình trạng thất nghiệp hết Tết. Nếu đóng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động nên nhanh chóng hoàn tất thủ tục để hưởng bảo hiểm.
Nhận các dự án tự do, cung cấp các dịch vụ dưới tư cách cá nhân hay kinh doanh riêng là phương pháp tạo ra thu nhập tạm thời đáng cân nhắc.
Cuối cùng, việc giữ tinh thần lạc quan trong giai đoạn này đặc biệt quan trọng. Không chỉ tích cực tìm kiếm việc làm mới, coi đây là cơ hội để thay đổi, nhân sự cũng cần động viên những người xung quanh để nhận về sự ủng hộ trong mùa lễ hội đoàn viên và trên hành trình mới.